Hành trình 20 năm ứng dụng nhân bản vô tính trong y học

06:54' - 11/08/2016
BNEWS 20 năm sau ngày ra đời của cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên ra đời bằng sinh sản vô tính, phương pháp này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Hành trình 20 năm ứng dụng nhân bản vô tính trong y học. Ảnh minh họa: independent

Cừu Dolly ra đời bằng phương pháp Chuyển nhân tế bào xôma. Các nhà khoa học lấy một quả trứng và tách bỏ nhân của nó.

Nhân này sẽ được thay thế qua ống nghiệm bằng một nhân tế bào lấy từ con vật chủ dùng để nhân bản. Quả trứng được tái tạo này sẽ được đặt vào một chiếc đĩa chứa hóa chất để phân tách.

Vài ngày sau nó sẽ trở thành một nhóm tế bào đủ lớn để cấy vào tử cung của cừu mẹ nuôi.

Sự ra đời của cừu Dolly được tôn vinh như một đột phá khoa học có thể mở đường cho những hướng điều trị mới trên nhiều loại bệnh tật.

Tuy nhiên nó cũng làm dấy lên những chỉ trích và lo ngại về mặt đạo đức đối với khả năng tạo bản sao con người.

Bên cạnh đó còn là câu hỏi về sự an toàn, sau cừu Dolly, giới khoa học đã cho ra đời một loạt những con vật nhân bản khác nhưng tỷ lệ thất bại khá cao.

Và trong số những phôi thành công thì có nhiều trường hợp mắc nhiều bệnh tật hoặc chết non như Dolly.

Đầu tư vào nghiên cứu nhân bản vô tính đã giảm trong nhiều năm qua và chỉ có một vài quốc gia, bao gồm Bỉ, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Singapore, cho phép tạo ra các phôi phục vụ mục đích nghiên cứu.

Mặc dù cho tới nay, giới khoa học vẵn chưa tìm được ứng dụng trực tiếp nào của nhân bản vô tính trong y học, thành công của cừu Dolly mở ra hy vọng về công nghệ điều trị mới.

Một trong số đó là nhân bản tế bào gốc phôi, những tế bào nguyên thủy của phôi có khả năng phát triển thành bất cứ mô nào trong cơ thể.

Nếu thành công, giới khoa học có thể tạo ra mô tái tạo thay thế cho các tế bào não, dây thần kinh, gan, thận và các cơ quan khác bị bệnh tật hủy hoại.

Nếu những tế bào gốc này là phiên bản ADN của chính bệnh nhân, chúng sẽ không bị hệ miễn dịch đào thải.

Một triển vọng y học khác là phương pháp chuyển gien ty thể, cấy DNA của cha mẹ vào một trứng khỏe mạnh để tạo ra một phôi không bị di truyền các biến dạng gây hại từ người mẹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhân bản vô tính ở người sẽ khó có thể trở thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục