Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới

09:01' - 13/02/2024
BNEWS Hạt gạo Việt bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường khi cùng đất nước đi qua những năm tháng vô vàn khó khăn, giờ tiếp tục đồng hành trong hành trình hội nhập mạnh mẽ.

Từ những hũ gạo cứu đói đậm nghĩa tình được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong những ngày đất nước còn gian khó, đến nay, hạt gạo Việt Nam đã tự tin xưng danh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục, ước đạt 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá.

* Hạt gạo làng ta

Từ “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay...”, gạo Việt ngày nay không chỉ có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn được vinh danh là "Gạo ngon nhất thế giới".

Gạo là lương thực chính của người dân Việt Nam; sản xuất lúa gạo cũng là sinh kế của hàng triệu nông dân.

Lúa gạo nuôi dân tộc Việt Nam lớn lên, từ thuở khai hoang lập ấp đến đánh giặc giữ nước và xây dựng quê hương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền mới, nhà nước non trẻ phải đối diện với những “kẻ thù” là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm...

Tại phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ cấp bách, trong đó theo Người, quan trọng nhất là phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hạt gạo thực sự quý giá như hạt ngọc!

Ngược dòng quá khứ để thấy rằng, hạt gạo Việt bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường khi cùng đất nước đi qua những năm tháng vô vàn khó khăn, giờ tiếp tục đồng hành trong hành trình hội nhập mạnh mẽ. Đó là hành trình dài đầy thử thách và cũng rất đỗi tự hào.

* Vươn ra thế giới

Dấu ấn trong hành trình vươn mình ra biển lớn của hạt gạo Việt phải kể đến mốc lịch sử ngày 23/8/1989, khi chuyến hàng đầu tiên lên tới 10.000 tấn, gạo 35% tấm với giá 235USD/tấn xuất sang Ấn Độ, đánh dấu sự khởi đầu hành trình của gạo Việt Nam liên tục suốt mấy thập kỷ không ngừng phát triển.

Chỉ trong hơn 4 tháng cuối năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 322 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân 226 USD/tấn. Việc này đã tác động không nhỏ đến thị trường gạo thế giới.

Năm 1999, gạo Việt tự đánh dấu một cột mốc lịch sử mới cho chính mình bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỷ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227 USD/tấn. Việt Nam chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu lần đầu tiên vượt 6 triệu tấn với kim ngạch gần 2,5 tỷ USD.

Năm 2011, hạt gạo Việt lập kỷ lục về sản lượng khi đạt tới 7,1 triệu tấn, kim ngạch 3,65 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 495 USD/tấn. Cũng từ thời điểm này, bắt đầu việc nâng cao chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc.

Và ngày 30/6/2022, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe với hơn 600 chỉ tiêu, gạo Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình vào thẳng Nhật Bản - thị trường khó tính nhất thế giới.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức cao nhất kể từ năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo (năm 1989) tới nay.

Không chỉ là cường quốc về số lượng mà chất lượng gạo Việt cũng được vinh danh “ngon nhất thế giới”.

Năm 2019 và 2023, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”.Gạo Việt cũng đã xây dựng được thương hiệu riêng ở những thị trường cao cấp và khó tính bậc nhất như Nhật Bản, EU.

 

Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), phía bạn dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Nhiều người nghĩ rằng, Việt Nam sẽ không thể “dùng” hết hạn ngạch này vì sẽ vướng các tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt tới 60.000 tấn các loại. Năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt tới 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà khối này dành cho Việt Nam.

Anh hùng Lao động, GS Võ Tòng Xuân, người gắn bó cả đời với cây lúa cho rằng: Từ năm 1989 đến nay, người trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà khi đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Những năm gần đây, gạo Việt còn xây dựng được thương hiệu. “Khi nói đến gạo, nghĩ về Việt Nam - chúng ta phải định vị hạt gạo Việt trong tâm thức người tiêu dùng thế giới như thế”, Anh hùng Lao động của ngành lúa gạo nhấn mạnh.

* Xây dựng thương hiệu gạo Việt bền vững

Trong những năm gần đây, sản xuất lúa đã chuyển từ phát triển chiều rộng là tăng năng suất, sản lượng, sang phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững. Nếu như nhiều năm trước, nước ta chỉ mới cơ cấu 35-40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75-80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến hơn 90%.

Bên cạnh đó là tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðây được xem là chiến lược chính để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.

Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Đề án là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, thông qua Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đề án cũng giúp chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hỗ trợ ngành lúa gạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày 11/12/2023, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA - Vietnam Rice Sector Association) đã được thành lập. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng được bầu làm Chủ tịch VIETRISA nhiệm kỳ 2023-2028. Việc thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, là cơ sở để hạn chế tình trạng thiếu liên kết giữa các khâu cung cấp vật tư, sản xuất và tiêu thụ...

Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện tại ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai Đề án nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục