Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên 3/5

17:22' - 03/05/2021
BNEWS Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 3/5, khi lực đẩy đến từ phố Wall yếu, do hoạt động chốt lời và những lo ngại về lạm phát.
Chỉ số Hang Seng của Kong Kong chốt phiên giảm 1,3% xuống 28.357,54 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,66%, xuống 3.127,2 điểm.

Khi các sàn giao dịch tại Nhật Bản và Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ gần như cả tuần, các nhà giao dịch đã kiềm chế hoạt động mua vào quá mạnh gần đây.

Trong khi đó, tỷ phú Warren Buffett cuối tuần qua nói rằng hoạt động kinh tế Mỹ đang rất mạnh nhờ sự hỗ trợ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính phủ nhưng điều này có thể khiến lạm phát tăng.

Nhận định của ông Buffett đã gây lo ngại rằng sự phục hồi mạnh mẽ, chương trình tiêm chủng được thúc đẩy và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng sẽ khiến giá cả tăng đến mức Fed sẽ phải từng bước dừng các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã hỗ trợ thị trường. 

Những lo ngại đó vẫn tiếp diễn dù Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại rằng Fed sẽ chưa thắt chặt chính sách cho đến khi hài lòng rằng tình trạng thất nghiệp đã giảm bớt và lạm phát cao liên tục.

Trong khi đó, giá vàng tăng trong phiên giao dịch tại châu Á, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm và những lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại một số nước đã làm tăng nhu cầu với kim loại quý này.

Giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.777,67 USD/ounce vào lúc 14 giờ 37 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6%, lên 1.777,6 USD/ounce.

Theo nhà chiến lược Margaret Yang tại DailyFX, tình hình dịch tại Nhật Bản và Ấn Độ vẫn là lo ngại lớn của các nhà giao dịch, khiến nhu cầu với các tài sản an toàn, trong đó có vàng, tăng. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm cũng là một yếu tố hỗ trợ đối với kim loại này.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm sau khi chạm mức cao kỷ lục trong gần hai năm trong tuần trước.

Về tình hình dịch, Ấn Độ ngày 3/5 công bố số ca nhiễm mới COVID-19 trên 300.000 ngày thứ 12 liên tiếp, đưa tổng số ca nhiễm lên gần 20 triệu.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tại châu Á trong cùng phiên giảm xuống gần đến mức 66 USD/thùng, khi lo ngại về nhu cầu của Ấn Độ và nguồn cung từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng đã hạn chế sự lạc quan về nhu cầu tăng tại các nước khác cũng tiêu thụ nhiều dầu là Trung Quốc và Mỹ.

Giá dầu Brent giảm 31 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 66,45 USD/thùng vào lúc 15 giờ 15 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 19 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 63,39 USD/thùng.

Làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 đã khiến doanh số bán nhiên liệu tại Ấn Độ, nước tiêu thụ lớn thứ ba thế giới, giảm trong tháng Tư.

Trong khi đó, OPEC và các nước đồng minh trong tuần trước đã nhất trí thực hiện kế hoạch tăng nguồn cung từ ngày 1/5./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục