Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam sẵn sàng cho quy mô lớn hơn

17:36' - 04/05/2025
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là “chìa khóa” để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021 - 2030 và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là “chìa khóa” để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.

Thực tế, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI), với những đột phá mạnh mẽ trong AI tạo sinh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 công bố mới đây cho thấy, Việt Nam không chỉ đón nhận vốn đầu tư mà còn sẵn sàng dẫn dắt hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo của khu vực.

Năm 2024, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo đạt 2,3 tỷ USD, với 141 thương vụ; trong đó, số thương vụ đầu tư từ 100 - 300 triệu USD tăng gấp 2,7 lần; số thương vụ đầu tư dưới 500.000 USD tăng 73% so với năm trước; giá trị các thương vụ mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Việt Nam nổi lên là “điểm nóng” về đầu tư công nghệ thế hệ mới trong năm 2024 khi đầu tư vào startup lĩnh vực AI tăng gấp 8 lần năm 2023 (từ 10 triệu USD lên 80 triệu USD); Agritech tăng gấp 9 lần do nhu cầu về an ninh lương thực và chuỗi cung ứng số…

Mức độ sôi động của các thương vụ được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.

Song song đó, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất  mà đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures cho biết, Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững.

Ông Ben Sheridan, Giám đốc toàn cầu khối đầu tư tài chính tại BCG đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều yếu tố thuận lợi hiếm có mở ra những cơ hội chưa từng có cho dòng vốn tư nhân. Đó là, tăng trưởng GDP thực đạt 7,1% trong năm 2024 – cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á, lạm phát thấp và nhiều cơ hội đầu tư tăng trưởng trong dài hạn.

Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2035 - gấp 2,5 lần hiện tại; trong đó, kinh tế số đóng góp 18,3% GDP, hướng tới 35% vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhìn nhận lại vai trò của các quỹ đổi mới sáng tạo và nguồn vốn tư nhân trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Những quỹ này không chỉ cung cấp nguồn vốn mồi quan trọng cho các dự án công nghệ cao mà còn đóng vai trò “kích hoạt” sự tham gia của khu vực tư nhân, góp phần làm gia tăng mạnh mẽ quy mô và hiệu quả đầu tư…

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), mỗi năm, Việt Nam đã thu hút trên 500 triệu USD thương vụ về vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Một trong những chính sách quan trọng nhất của câu chuyện phát triển start up là giải quyết vốn đầu tư mạo hiểm. Mà vốn đầu tư mạo hiểm cần một Nhà nước phải có vốn mồi, vốn mồi có thể rất thấp, dưới 5% nhưng từ đó có thể kéo các quỹ đầu tư khác vào.

“Với khởi nghiệp sáng tạo, thực ra vốn thương mại không phải chủ yếu. Rất nhiều quỹ đầu tư lớn hàng tỷ USD sẵn sàng tham gia với điều kiện ban đầu chúng ta phải ươm tạo, có vốn mồi cho startup”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, việc hợp tác với các hiệp hội đầu tư mạo hiểm trong khu vực sẽ mở cánh cửa mới cho startup Việt Nam; đồng thời, thu hút nguồn vốn tư nhân châu Á vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong nước.

Để gia tăng mạnh mẽ quy mô và hiệu quả đầu tư của đổi mới sáng tạo, theo Phó Giám đốc NIC Đỗ Tiến Thịnh, các bộ, ngành cần đưa ra những chính sách và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bao gồm việc giảm các rào cản về quy định, thủ tục hành chính, ưu đãi thuế có trọng tâm, cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu, phát triển ươm tạo doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng số dùng chung để khuyến khích đổi mới sự sáng tạo và chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, theo đó, tiếp tục có các khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho các ngành công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn kết nối như: Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo 2025, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp cần tiếp tục trao đổi cụ thể về định hướng đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế của mỗi bên và sớm thiết lập các cơ chế, hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả.

Cùng với đó, các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo "sân chơi" thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

“Chính phủ cam kết luôn sẵn sàng hành động, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục