Hệ thống điện thừa dự phòng nhưng vẫn phải huy động nhiệt điện dầu vào cao điểm chiều
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, năm 2021, việc vận hành hệ thống điện Quốc gia tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Theo Quyết định số 3598/QĐ-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2021, tổng sản lượng phụ tải hệ thống điện Quốc gia năm 2021 dự kiến là 262,41 tỷ kWh (bao gồm cả điện mặt trời áp mái), tăng 5,2% so với năm 2020, nhưng nếu so với kế hoạch năm 2020 thì chỉ cao hơn 10,8 tỷ kWh.
Trong khi đó, tổng sản lượng thủy điện hữu ích dự kiến đầu năm 2021 là 13,7 tỷ kWh, cao hơn 3,8 tỷ kWh so với năm 2020. Các nguồn điện truyền thống dự kiến vào vận hành năm 2021 là 3.597 MW bao gồm các nhà máy nhiệt điện lớn (600 MW/tổ máy) như BOT Hải Dương, BOT Duyên Hải 2 và Sông Hậu 1. Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến bổ sung 130/2.711 MW điện mặt trời/điện gió; nâng tổng công suất đặt của các nguồn tái tạo lên khoảng 8.968/3.341 MW điện mặt trời/điện gió với sản lượng điện dự kiến năm 2021 khoảng 19,1 tỷ kWh, cao hơn 8,1 tỷ kWh so với năm 2020. Đặc biệt có sự tham gia rất đáng kể của nguồn điện mặt trời áp mái với công suất hiện nay lên đến 9.583 MWp Bên cạnh đó, với sự bổ sung của các mỏ khí mới như Sao Vàng – Đại Nguyệt, khả năng cấp khí của khu vực Đông Nam Bộ dự kiến khoảng từ 19,5 - 20 triệu m3 khí/ngày, tương ứng sản lượng điện tăng từ 15 - 20 triệu kWh/ngày so với năm 2020. Về chi phí điện năm 2021, hiện tại các mỏ khí giá rẻ đang ngày càng suy giảm, các mỏ khí giá đắt được đưa vào khai thác đồng thời với chính sách các nhà máy điện khí BOT vẫn tiếp tục được áp dụng giá khí bao tiêu dẫn tới đẩy chi phí các mỏ khí mới vào các nhà máy điện khí khác cùng khu vực, ảnh hưởng tới chi phí điện toàn hệ thống. Nhiều máy biến áp 500kV đang đầy tải ngay trong chế độ vận hành bình thường như Hiệp Hòa, Pleiku 2, Di Linh, Tân Uyên... Do đó, các công trình mới như đường dây 500kV Thường Tín – Tây Hà Nội, Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2, nâng công suất các TBA 500kV Nho Quan, Việt Trì, Ô Môn, đưa vào vận hành các TBA 500kV Chơn Thành, Long Thành, Đức Hòa… sẽ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho các trung tâm phụ tải quan trọng như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng như giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) khu vực Bình Thuận - Ninh Thuận. Vấn đề giải tỏa các nguồn NLTT cũng đáng được quan tâm, với việc nhiều nguồn NLTT được vào vận hành trong khi lưới điện chưa đáp ứng kịp nên nhiều khu vực không thể giải tỏa được hết công suất các nhà máy điện NLTT, đặc biệt là khu vực Bình Thuận – Ninh Thuận.Ngoài ra, với tỷ lệ tham gia NLTT ngày càng cao, vấn đề ổn định hệ thống trong vận hành thời gian thực là một thách thức rất lớn đối với A0 trong điều độ hệ thống điện Quốc gia.
Với vai trò hàng đầu trong điều hành sản xuất điện và điều hành thị trường điện, A0 xác định năm 2021, Trung tâm sẽ vận hành an toàn, minh bạch hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ tham gia của các nguồn NLTT cao và ngày càng tăng. Cùng với đó, tính toán, lập phương thức vận hành và điều độ tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện, giảm thiểu chi phí mua điện.Đồng thời, tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại về cải thiện độ chính xác của dự báo công suất phát NLTT, chất lượng điện năng trong vận hành hệ thống như điều khiển tần số, điều khiển điện áp, nâng cao ổn định hệ thống điện; giám sát diện rộng.
Mặt khác, lập kế hoạch vận hành và điều độ huy động nguồn điện với khung thời gian tối thiểu 30 phút... với xu hướng ngày càng ứng dụng khoa học công nghệ và tự động hóa trong vận hành và điều khiển hệ thống điện.
Năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện Quốc gia. Từ Quý II/2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phụ tải hệ thống điện Quốc gia tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm dẫn đến tình hình cân đối cung cầu điện năng đã trở nên bớt căng thẳng. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch vận hành và vận hành thời gian thực hệ thống điện năm 2020 không vì thế mà bớt phần khó khăn do hệ thống đã phải đối mặt thêm nhiều vấn đề mới như: Phụ tải và thủy văn diễn biến bất thường. Cụ thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nhu cầu phụ tải hệ thống điện là chưa có tiền lệ. Từ tháng 4/2020, mức tăng trưởng tháng bình quân so với cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt khoảng 1,15%; trong đó có một số tháng tăng trưởng âm so với năm 2019 dẫn đến tổng sản lượng năm 2020 đạt 245,85 tỷ kWh, tăng 2,43% so với năm 2019. Công suất cực đại đạt 38.617 MW, tăng 1,04% so với năm 2019. Sản lượng ngày cao nhất đạt 797,54 triệu kWh, tăng 1,72% so với năm 2019. Trong khi đó, tình hình thủy văn cũng có diễn biến phức tạp, đặc biệt với các hồ miền Trung. Trong 8 tháng năm 2020, lưu lượng nước về các hồ rất thấp so với trung bình nhiều năm, nhưng chỉ trong thời gian ngắn từ 18/09 - 15/11 đã có liên tiếp 9 cơn bão và áp thấp thiệt đới làm lưu lượng nước về tăng đột biến, gây nhiều hậu quả. Mặc dù phụ tải giảm làm giảm áp lực cung cấp điện, tuy nhiên ảnh hưởng lớn đến công tác trực ca vận hành hệ thống điện ở A0, A3. Trong năm 2020, tỷ trọng các nguồn điện không điều độ được trong hệ thống điện đã phát sinh tương đối cao. Cụ thể, tổng công suất đặt các nhà máy điện tự điều độ (bao gồm nhà máy điện gió, sinh khối, solarfarm, rooftop và nhà máy thủy điện vận hành theo cơ chế chi phí tránh được) trên toàn hệ thống khoảng 24.000 MW; trong đó sinh khối, gió, mặt trời khoảng 19.740 MWp, thủy điện nhỏ hưởng chi phí tránh được khoảng 4.259 MW, chiếm khoảng 33.8% công suất đặt toàn hệ thống dẫn đến giảm độ linh hoạt trong điều hành hệ thống và thừa nguồn trong điều hành thị trường điện Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền, việc vận hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt trong các dịp lễ tết, các ngày diễn ra sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội quan trọng. Tổng nguồn điện mới đưa vào vận hành năm 2020 là 5.985 MW, nâng tổng công suất đặt hệ thống điện Quốc gia lên 61.268 MW, bao gồm: Nhiệt điện than (1.810 MW), thủy điện (119,5 MW), điện mặt trời (3.921,2 MW) và điện gió (133,9 MW); trong đó có các tổ máy lớn như S1, S2 nhà máy điện Hải Dương, S1 nhà máy điện Sông Hậu 1. Tổng số nhà máy A0 nắm quyền điều khiển là 264 nhà máy trong khi năm 2019 chỉ là 219 nhà máy. Trung tâm đã đóng điện nghiệm thu nhiều công trình đường dây và trạm biến áp (TBA) quan trọng trên lưới điện 500kV như: Đóng điện mới 16 máy biến áp với tổng dung lượng 11.120 MVA; trong đó có các TBA 500kV: Sông Hậu, Thuận Nam, Chơn Thành, Ea súp, Nghi Sơn.Đây là các công trình trọng điểm của hệ thống điện Quốc gia trong năm 2020, góp phần quan trọng giải tỏa công suất cho nguồn NLTT, mang lại hiệu quả kinh tế và chính trị to lớn.
Cùng với đó, nâng công suất 2 máy biến áp với tổng dung lượng 1.800 MW; Đóng điện mới 8 đường dây 500kV với tổng chiều dài 642 km; Đóng mới 202 máy biến áp 220kV - 110kV với tổng dung lượng 11.670 MVA; đóng mới 146 đoạn đường dây 220kV - 110kV với tổng chiều dài 1.610 km.
Đến cuối năm 2020, A0 đã vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn, khắc nghiệt như: nắng nóng cao điểm mùa khô tại miền Bắc; các cơn bão lớn số 2, số 5, số 6, số 9, số 12, số 13 trong giai đoạn mùa lũ tại miền Trung; khối lượng lớn công việc liên quan tới đóng điện công trình mới nguồn, lưới điện năng lượng tái tạo, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2020./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ hoà lưới điện quốc gia
09:57' - 05/01/2021
Vừa qua, Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã đóng điện thành công và hòa lưới điện quốc gia sau 7 tháng khởi công.
-
Chuyển động DN
Tổ máy 1, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hòa đồng bộ lần đầu vào lưới điện quốc gia
11:50' - 26/11/2020
Ngày 26/11, tổ máy số 1, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã đồng bộ lưới điện lần đầu vào hệ thống điện Quốc gia 500kV.
-
Chuyển động DN
Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 hòa lưới điện quốc gia
17:56' - 05/11/2020
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 5/11, dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 có công suất 49 MWp đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Bảo vệ lúa Đông Xuân trước rét đậm, rét hại
15:32'
Các tỉnh, thành phố phía Bắc chủ động phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy, lúa gieo sạ bằng các biện pháp tưới đủ nước
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo tăng trên 23%
15:32'
Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa phấn đấu là cực tăng trưởng của cả nước
13:27'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
-
Kinh tế Việt Nam
Đảm bảo tuyệt đối an toàn về điện dịp Tết
21:56' - 25/01/2025
Sáng 25/1, (tức 26 Tết), đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác bảo đảm cung ứng điện dịp Tết Nguyên đán 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng
18:59' - 25/01/2025
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 28/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Tiếp tục xử lý cán bộ cao hơn vì gây chậm trễ dự án Cảng hàng không Long Thành
16:52' - 25/01/2025
Sáng 25/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
-
Kinh tế Việt Nam
Hạt điều quyết giữ kỷ lục xuất khẩu
14:16' - 25/01/2025
Thời gian qua, ngành điều Việt Nam đã đối mặt với nhiều biến động về nguyên liệu, giá cả, nhưng cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều đã đồng lòng đưa ngành điều về đích như mong đợi.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
12:55' - 25/01/2025
Sáng 25/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ máy Chính phủ sau sắp xếp: Bộ Tài chính nhiều đầu mối và biên chế nhất
11:46' - 25/01/2025
Về biên chế sau khi hợp nhất, Bộ Tài chính mới có 69.405 biên chế công chức, 17.656 biên chế viên chức.