Helmut Kohl - Người Đức vĩ đại

09:37' - 01/07/2017
BNEWS Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã qua đời tại nhà riêng hôm 16/6 ở tuổi 87.

Ngày 1/7, lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), một tang lễ tầm châu lục được tổ chức dành cho Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl tại Nghị viện châu Âu ở thành phố Strasbourg (Pháp), với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cùng các nước, để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông đối với EU.

Giữ cương vị Thủ tướng Đức suốt 16 năm, từ 1982 đến 1998, ông Kohl được xem là kiến trúc sư trưởng của quá trình tái thống nhất nước Đức, cũng hình thành nên một châu Âu đoàn kết và hội nhập toàn diện.

Con đường thống nhất nước Đức

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl. Ảnh: Spiegel Online

Năm 1987, Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl đón tiếp Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức Erich Honecker trong chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo nhà nước Đông Đức tới Tây Đức. Đây là một phần trong chính sách hướng Đông, làm giảm căng thẳng giữa Đông và Tây, mà người tiền nhiệm của Helmut Kohl là Helmut Schmidt đã theo đuổi.

Ngày 9/11/1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, ông Kohl đang ở Ba Lan trong chuyến thăm cấp Nhà nước nhằm thực hiện sứ mệnh hòa giải giữa hai nước vốn là cựu thù. Trong thời gian này, ông Kohl đã thực hiện hàng loạt sứ mệnh ngoại giao nhằm thuyết phục các nước châu Âu cũng như 4 cường quốc trong phe đồng minh chống phát-xít là Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đồng ý để nước Đức thống nhất.

Bằng sự thông minh, khéo léo và cả sức mạnh tài chính của Tây Đức, ông Kohl đã nhận được cái gật đầu của tất cả, kể cả lãnh đạo Mikhail Gorbachev của Liên Xô, nước vốn có tiếng nói đầy trọng lượng tại Đông Đức.

Ngày 3/10/1990, nước Đức chính thức tái thống nhất sau 45 năm chia cắt. Dưới sự lãnh đạo của Helmut Kohl, Tây Đức bắt tay vào quá trình tái thiết Đông Đức sau thời gian kiệt quệ về kinh tế.

Ngôi nhà chung châu Âu

Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher không muốn và luôn tìm cách ngăn cản một nước Đức thống nhất, bởi "Bà đầm thép" lo ngại sự hùng mạnh của nước Đức sẽ lại một lần nữa đe dọa hòa bình và ổn định ở châu Âu, như những gì từng xảy ra trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Để hóa giải điều này, Thủ tướng Helmut Kohl đã sử dụng cái ô Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cam kết là một thành viên có trách nhiệm và tôn trọng sự lãnh đạo của Mỹ cũng như hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl bắt tay Tổng thống Pháp Francois Mitterand. Ảnh: gettyimages

Ông Kohl cũng bắt tay cùng cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand nhằm xây dựng một "ngôi nhà chung" ở châu Âu - một châu Âu thống nhất trên mọi phương diện. Bất chấp sự phản đối của nhiều người Đức, ông Kohl đã chấp nhận "hy sinh" đồng DM (Deutsche Mark - đồng Mác Đức) vốn rất mạnh, ngang ngửa đồng USD thời điểm năm 1991, để tham gia vào khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Hiệp ước Maastricht ký năm 1992 ở Maastricht - Hà Lan, với sự đóng góp rất lớn của Helmut Kohl, đã hình thành nên Liên minh châu Âu (EU), và sau đó là sự ra đời của đồng euro.

Không chỉ là cha đẻ của liên minh tiền tệ, Thủ tướng Đức Helmut Kohl còn là người thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành và mở rộng liên minh thuế quan và tự do đi lại ở châu Âu, mà nay vẫn được biết đến dưới cái tên Khu vực Schengen. Điều này đã góp phần giúp châu Âu hội nhập sâu rộng, và thực hiện đúng cam kết "nước Đức của châu Âu", chứ không phải "châu Âu của nước Đức" mà ông Kohl đã đưa ra trong quá trình vận động thống nhất nước Đức.

Di sản để lại

Liên minh châu Âu, đồng tiền chung euro, khu vực tự do đi lại Schengen... là những di sản mà Thủ tướng Đức Helmut Kohl để lại cho cả châu Âu. Còn đối với nước Đức, dù có lúc gặp khó khăn vì ngân sách cạn kiệt do đổi tiền theo tỷ giá 1/1 giữa đồng Deutsche Mark (DM) của Tây Đức và đồng Mark der DDR (thường được gọi tắt là đồng Mark) của Đông Đức khi vừa thống nhất, cũng như có giai đoạn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao lên mức 12,7% nhưng nhìn chung, công lao của Thủ tướng Helmut Kohl trong suốt 16 năm lãnh đạo nước Đức vẫn vô cùng lớn lao.

Từ chỗ là hai nhà nước tồn lại độc lập với sự khác biệt quá lớn, nước Đức dưới sự chèo lái của Helmut Kohl đã vượt qua rất nhiều trở ngại, đi đến thống nhất và trở thành nền kinh tế mạnh nhất châu Âu hiện nay, và là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Kohl đã vận động để Frankfurt am Main trở thành nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và có thể thay thế London trở thành Trung tâm tài chính mới của châu Âu sau khi quá trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) kết thúc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel - AFP PHOTO / John MACDOUGALL

Thủ tướng Đức hiện nay, bà Angela Merkel, cũng được xem là một di sản đặc biệt của ông Kohl. Từng được gọi là "Kohls Mädchen", nghĩa là "Con gái của Kohl", bà Merkel đã đi tiếp con đường của vị tiền bối, giành lại ghế Thủ tướng từ tay Gehard Schröder của đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức tiến lên mạnh mẽ suốt 12 năm qua, và đang hướng đến việc san bằng kỳ tích 16 năm dẫn dắt nước Đức của chính Helmut Kohl trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.

Cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush miêu tả ông là "lãnh đạo vĩ đại nhất của châu Âu nửa sau thế kỷ 20", Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá "Helmut Kohl là người châu Âu vĩ đại", Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon coi Helmut Kohl là "bậc thầy của nước Đức thống nhất cũng như quan hệ Pháp - Đức còn Tổng thống Nga Vladimir Puttin viết rằng "tôi luôn ngưỡng mộ sự thông thái và khả năng của ông trong việc đưa ra những quyết định có tính lịch sử trong những thời điểm cực kỳ khó khăn"...

Với tất cả những đóng góp to lớn nói trên của Helmut Kohl đối với châu Âu, không có gì khó hiểu khi tang lễ của ông được tổ chức ở tầm châu lục tại Nghị viện châu Âu, một điều chưa từng có tiền lệ.

Bi kịch cuộc đời

Tương phản với sự nghiệp đầy vinh quang là một cuộc đời lắm bi kịch của Helmut Kohl, chủ yếu xảy ra khi ông đã rời khỏi chính trường. Năm 2001, ông Kohl mất người vợ Hannelore, tự sát.

Năm 2011, ông đã từ mặt cả Walter Kohl và Peter Kohl khi cậu con trai cả Walter viết cuốn sách "Leben oder gelebt werden" (tạm dịch: Sống hay bị sống), tiết lộ những bí mật của gia đình. Năm 2013, khi Walter viết cuốn sách thứ hai "Leben was du fühlst" (tạm dịch: Sống như ta cảm nhận), căng thẳng giữa người cha và hai đứa con có phần lắng dịu.

 Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã qua đời tại nhà riêng hôm 16/6 ở tuổi 87. Ảnh: EPA/RONALD WITTEK

Tuy nhiên, nỗ lực hàn gắn quan hệ gia đình của cha con nhà Kohl bị bà mẹ kế Maika Kohl-Richter liên tiếp ngăn cản. Năm 2008, bà Maika Kohl-Richter đến với Helmut trong một cuộc hôn nhân bị Walter và Peter phản đối, đến mức đám cưới cha diễn ra mà hai con không được mời. Cũng trong năm đó, Kohl gặp tai nạn và từ đó cho đến cuối đời, ông không thể tự đi lại.

Khi hay tin cha mất, Walter dẫn hai cháu nội của Helmut về chịu tang nhưng không thể bước chân vào nhà vì sự ngăn cản của bà mẹ kế. Bà Maika Kohl-Richter không đồng ý tổ chức quốc tang cho ông Kohl, đám tang cũng không diễn ra ở thủ đô Berlin và ông cũng không được yên nghỉ bên cạnh người vợ đầu Hannelore. Ông sẽ được an táng tại một nghĩa trang nhỏ bên cạnh nhà thờ Speyer ở thành phố Ludwigshafen, gần nơi ông đã sinh ra và lớn lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục