Hiện thực ước mơ thoát nghèo của nơi đặc biệt khó khăn

09:18' - 09/09/2022
BNEWS Là một xã bãi ngang còn nghèo của huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), Mỹ An những năm trở lại đây bộ mặt nông thôn và đời sống người dân của 6 ấp trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay rõ nét.

Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách đã đến với các người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhất là người dân tại các xã đặc biệt khó khăn, tạo đòn bẩy vươn lên trong cuộc sống.

 

Điều này góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo anh sinh xã hội của tỉnh.

Là một xã bãi ngang còn nghèo của huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), Mỹ An những năm trở lại đây bộ mặt nông thôn và đời sống người dân của 6 ấp trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay rõ nét. Ruộng đất hoang hóa được cải tạo thành ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, số lượng đàn bò cũng "bám đất" bãi ngang Mỹ An ngày càng nhiều...

Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo vay được vốn ưu đãi của Nhà nước kịp thời đầu tư mua đủ con giống, vật tư phát triển các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Chủ tịch UBND xã Mỹ An Nguyễn Tấn Phát cho hay, trước đây, người dân trên địa bàn xã còn nhiều thiếu thốn,nguồn vốn sản xuất nên thu nhập thấp, không ổn định.

Tuy nhiên, kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn khu vực bãi ngang, ven biển nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội đã ưu tiên vốn đầu tư, các tổ chức đoàn thể xã đã rà soát, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đúng chính sách, trực tiếp tại Điểm giao dịch xã nên ước mơ thoát nghèo của địa phương đã nhanh chóng thành hiện thực.

Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết, để quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã cùng với các trưởng ấp luôn bám cơ sở để quản lý hoạt động tín dụng chính sách cũng như hướng dẫn người dân vay vốn chính sách thuận lợi.

Đồng thời, địa phương cũng phối hợp với các ban, ngành thực hiện lồng ghép đầu tư giữa nguồn lực, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, mô hình phát triển kinh tế với việc đầu tư cho vay các chương trình tính dụng ưu đãi nhằm phát huy tối đa hiệu quả vốn vay, hạn chế thấp nguy cơ rủi ro.

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ An, tính đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Mỹ An là gần 40 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn huyện Thạnh Phú) đã giải ngân cho 952 hộ dân vay vốn để đầu tư vào các hoạt động sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 25% vào năm 2017 xuống còn 5% cuối năm 2021, nhiều gia đình đã nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu.

Gia đình từng thuộc diện hộ nghèo phải chật vật để mưu sinh, đến nay, ông Trương Văn Đẹp (sinh năm 1958) ở ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An đã vươn lên thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế vững chắc. Ông Đẹp chia sẻ, trước đây do ít đất sản xuất, tuổi cao nên gia đình không có thu nhập ổn định.

Năm 2010, được tiếp cận chương trình cho vay vốn sản xuất đối với hộ nghèo, gia đình ông đã vay 40 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nên ông chăn nuôi thành công.

Từ số lãi bán lứa bê con kết hợp với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm sau đó đã giúp ông mở rộng chăn nuôi. Đến nay, gần 12 năm, ông Trương Văn Đẹp đã có đàn bò 8 con; trong đó, có 6 con bò sinh sản.

Hiện nay, gia đình ông đã "trả lại sổ hộ nghèo" và tiếp tục được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm 50 triệu đồng theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư nuôi tôm quản canh, phát triển kinh tế gia đình, thoát nguy cơ tái nghèo.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, hiện tại, tỉnh Bến Tre còn đến 21 xã đặc biệt khó khăn khu vực bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn 4 huyện gồm Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại và Giồng Trôm.

Ông Nguyễn Minh Triết – Phó Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Phú cho hay, trên địa bàn huyện Thạnh Phú hiện có 8 xã bãi ngang.

Trong năm 2022, huyện được phân bổ 19 tỷ đồng, nâng nguồn vốn đơn vị đạt khoảng 89 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,... góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 3%/năm.

Phó Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Phú nói thêm, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Thạnh Phú đã chỉ đạo các cơ sở tiến hành rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định.

Đồng thời, triển khai các giải pháp trực tiếp như huy động đủ nguồn vốn ưu đãi cho số hộ nghèo và hộ có nguy cơ tái nghèo vay, tạo điều kiện để người nghèo, xã đặc biệt khó khăn tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn tín dụng ưu đãi và sử dụng vốn vay gắn với khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong năm 2023, giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Phú sẽ phấn đấu tăng trưởng dư nợ ít nhất 10%, đưa vốn đến tận tay người cần vốn để phát triển kinh tế, chung tay đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Bà Ngô Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre thông tin, việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách tại địa bàn các xã đang xây dựng nông thôn mới, nhất là 21 xã đặc biệt khó khăn (xã bãi ngang) để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Theo đó, nguồn lực dành cho các xã xây dựng nông thôn mới, các xã đặc biệt khó khăn luôn được đơn vị ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 3.289 tỷ đồng, với 104.928 hộ vay vốn. Trong đó dư nợ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn 267,3 tỷ đồng với 7.486 hộ vay.

Bà Ngô Thị Thanh Tâm nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Với những đặc trưng riêng, đơn vị sẽ tập trung phát triển ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Hiện tại, đơn vị đang phấn đấu tăng cường các nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng vốn cho thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo các nội dung của thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đa dạng hóa nguồn lực tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; trong đó, đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục