Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội từ Hiệp định RCEP
Hiệp định này là sự kết nối 4 FTA hiện hành giữa ASEAN và các nước đối tác thành 1 FTA lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu. Do vậy, việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một "siêu" thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực. Bởi các nước tham gia Hiệp định RCEP có nhiều nước được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN và là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước. "Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Sau khi được thực thi đầy đủ, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu. Những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng một quy tắc xuất xứ chung cho 15 nước trong Hiệp định sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong Khu vực mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia. Đồng thời, Hiệp định RCEP cũng tạo lập một không gian sản xuất chung và mở ra một "siêu" thị trường xuất khẩu quy mô lớn, ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là đối với ngành nông nghiệp, bởi Khu vực này có 3 trong 4 thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam và đang còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra vì các nền kinh tế trong Khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, kể cả ở những lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ bị sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để cạnh tranh thành công ở cả thị trường trong nước cũng như trên thị trường quốc tế. Chia sẻ những khó khăn thách thức từ Hiệp định RCEP, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, khác với các FTA khác, mặt hàng rau quả khi xuất hay nhập khẩu giữa các nước thành viên trong Hiệp định RCEP với nhau đều phải có quota hoặc thông qua nghị định thư được ký kết trước. Chẳng hạn như với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ được phép xuất khẩu chính ngạch chỉ 10 mặt hàng rau quả như thanh long, xoài, mít, chôm chôm,vải, măng cụt, dưa hấu, chuối, nhãn và thạch đen. Các mặt hàng rau quả khác đang phải trải qua đàm phán lâu mới được phép xuất khẩu như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chanh, bưởi , bơ.... Theo ông Đặng Phúc Nguyên, từ tháng 1/2022 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiểm tra "Zero COVID" nghiêm ngặt với hàng thực phẩm nông sản rau quả của tất cả các nước khi xuất khẩu cho Trung Quốc; trong đó, có của Việt Nam trên tất cả phương tiện đường bộ, đường sắt cũng như đường biển. Điều nay đã gây ách tắc, thậm chí có lúc hàng hóa rau quả Việt Nam bị ứ đọng ở các cửa khẩu dẫn đến nhiều hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân sản xuất của Việt Nam. Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thời gian qua, mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng; trong đó, phải kể đến những FTA thế hệ mới và đặc biệt quan tâm tới Hiệp định RCEP. Theo bà Trần Thị Lan Anh, với các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp định có tác động lớn hơn thế bởi các đối tác RCEP là nguồn cung của khoảng 70% nhập khẩu, là thị trường đầu ra của gần 40% xuất khẩu Việt Nam. Đây cũng là khu vực bao trùm nhiều chuỗi giá trị toàn cầu và các nguồn FDI lớn nhất của nền kinh tế. Vì vậy, Hiệp định này được kỳ vọng là sẽ mở ra những cơ hội hội nhập cho các doanh nghiệp. Mặt khác, với nhiều đối tác có cơ cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, RCEP cũng đặt ra các thách thức cạnh tranh không nhỏ cho doanh nghiệp. Trong so sánh với 14 FTA mà Việt Nam đang thực hiện trước đó, Hiệp định RCEP đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức cạnh tranh với cùng lúc nhiều đối thủ mạnh nhất. Nhiều nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu tương tự Việt Nam, trong khi kinh nghiệm, nguồn vốn và sức cạnh tranh lại tốt hơn. Thách thức từ Hiệp định này với các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở các thị trường xuất khẩu. Trên thị trường nội địa, với các cam kết mở cửa trong RCEP, hàng hóa tương tự từ các thành viên RCEP, nhất là từ Trung Quốc và ASEAN sẽ có thêm cơ hội ưu đãi thuế khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà với các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo là sẽ gay gắt và khó khăn hơn. Để vượt qua những khó khăn này, bà Trần Thị Lan Anh khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ các cam kết của hiệp định để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP hay xử lý các thách thức nếu xảy ra. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có đủ nền tảng và sức mạnh để cạnh tranh trong hoàn cảnh hội nhập./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ nêu bật những cơ hội mới RCEP mang lại
19:57' - 08/07/2022
Hiệp định RCEP sẽ tạo thuận lợi hơn cho thương mại Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Hành lang Thương mại biển - đất liền quốc tế sẽ là nền tảng quan trọng để thực hiện RCEP.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam dự hội thảo về vai trò của RCEP đối với nền kinh tế số châu Á
08:38' - 23/06/2022
Ngày 22/6, tổ chức tư vấn Asia House và Trường kinh doanh CKGSB phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến Vai trò của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong thúc đẩy kinh tế số ở châu Á.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
22:25' - 24/04/2025
Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác dầu khí với Algeria
20:12' - 24/04/2025
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với Nghị sỹ Saleh Djeghloul, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam sang công tác tại Hà Nội từ ngày 21 - 26/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Áp lực cho logistics Việt trên đường đua số và xanh
19:49' - 24/04/2025
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025: Cửa ngõ kết nối toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam
19:16' - 24/04/2025
Tại GITEX Asia Singapore, Việt Nam gây ấn tượng với Gian hàng Việt Nam và “Ngày Việt Nam” nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam với toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch
17:59' - 24/04/2025
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm từ gốc
17:13' - 24/04/2025
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định, các cơ sở đăng kiểm đã chủ động rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách
17:13' - 24/04/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24/4/2025 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách.
-
Kinh tế Việt Nam
TTXVN tổ chức gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
16:59' - 24/04/2025
Chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường?
16:25' - 24/04/2025
Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình