Hỗ trợ tiền ngay cho người dân khi tiêu hủy lợn bệnh

18:13' - 05/03/2019
BNEWS Để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho bà con.
Hỗ trợ tiền ngay cho người dân khi tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Chiều 5/3, phát biểu tại cuộc họp với các sở ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội về giải pháp về ứng phó cấp bách với bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Sau 5 ngày lợn bị tiêu huỷ phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi…

Kể từ sau ổ dịch được phát hiện tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên vào ngày 24/2, đến nay, Hà Nội chưa xuất hiện thêm các ổ dịch khác. Dù vậy, nguy cơ lây lan bệnh dịch trong thời gian tới vẫn là rất cao.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố; trong đó, giáp với tỉnh Hưng Yên và rất gần với tỉnh Thái Bình, nơi đã xảy ra dịch bệnh, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào thành phố. Vì vậy việc quản lý dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 988 cơ sở điểm, giết mổ (chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) còn lại là các cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Tại cơ sở giết mổ ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), hàng ngày giết mổ từ 1.800-2.000 con lợn; trong đó, 60% là lợn nhập từ các tỉnh thành phố khác về.

Mặt khác, thời tiết khí hậu sau Tết Nguyên đán diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện nay, mùa lễ hội ở nhiều nơi lại đang diễn ra nên hàng ngày lưu lượng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đổ về các địa phương và các lễ hội là rất nhiều nên nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi lớn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, vấn đề hỗ trợ cho người dân để tiêu hủy lợn đang được nhiều địa phương quan tâm. Tuy nhiên, do việc hỗ trợ tiêu huỷ lợn theo quy định hiện còn nhiều thủ tục rườm rà, như trường hợp lợn mắc bệnh dịch lở mồm long móng, bị tiêu huỷ nhưng vài tháng sau mới được hỗ trợ, dẫn tới việc người dân có lợn mắc bệnh không khai báo và bán ra thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại diện của các địa phương cũng cho rằng, việc chậm hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn nhiễm bệnh làm ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi. Sẽ có trường hợp sẵn sàng bán tháo để nhận tiền luôn, thay vì trông chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Để giải quyết sớm cho người dân, hỗ trợ khi tiêu hủy lợn thì kinh phí được lấy từ nguồn dự phòng phục vụ công tác khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, theo quy định, các địa phương cần có quyết định mới có thể thực hiện chi trả. Tuy nhiên, vẫn có thể linh động hỗ trợ cho người dân trước, rồi hoàn thiện thủ tục sau. Nếu các địa phương chi quá 50% ngân sách dự phòng mà vẫn không đủ hỗ trợ cho người dân, thì có thể báo cáo UBND thành phố Hà Nội để xin cấp kinh phí bổ sung…

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai và quán triệt tốt “5 không” trong ứng phó với bệnh dịch đến từng thôn, xã; trong đó, đặc biệt chú ý kiểm soát chặt chẽ thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt - vốn là nguyên nhân được Tổ chức Thú y thế giới (IOE) nhận định chiếm đến 60% nguồn lây lan và xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là các Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn chết ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố.

Từ ngày 15/3 – 15/4/2019, các sở ngành, địa phương phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. 5 tổ công tác liên ngành tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tại tất cả các quận, huyện, thị xã.

Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tại cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân không hoang mang, chủ động các biện pháp phòng chống, và không tẩy chay thịt lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục