Hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo

12:00' - 04/05/2018
BNEWS Mục tiêu Chính phủ đặt ra, dành ngân sách, hỗ trợ để tới 2020 đảm bảo toàn bộ cư dân hải đảo, miền núi, vùng khó khăn được tiếp cận điện.

Thảo luận về hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Việt Nam đã có 99% dân số tiếp cận điện lưới quốc gia, còn khoảng 1% chưa được tiếp cận điện, lý do vì tính đặc thù cao, cả về đời sống, thu nhập, vị trí địa lý, hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, mục tiêu Chính phủ đặt ra dành ngân sách hỗ trợ để tới năm 2020 đảm bảo hầu hết cư dân hải đảo, miền núi, vùng khó khăn được tiếp cận điện.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi “Đối thoại chính sách” giữa Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam về Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu tài trợ, được tổ chức ngày 4/5 tại Bộ Công Thương. 

Chương trình hỗ trợ cải cách ngành năng lượng của Liên minh châu Âu trị giá 108 triệu Euro với mục tiêu tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam không chỉ hướng tới việc chuyển năng lượng sang xanh, sạch, mà cả kinh tế xanh cũng là định hướng phát triển của Việt Nam. 

“Để triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ này, chúng tôi sẽ có sự phối hợp để ngày 17/5 tới có được những tài liệu liên quan về vấn đề này. Từ nay đến thời điểm đó, trước khi chính thức triển khai, giải ngân, nếu cần làm rõ thêm về vấn đề giải ngân, kế hoạch đầu tư thì chúng ta sẽ tiếp tục có những buổi đối thoại”, Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật, đấu nối năng lượng tái tạo với lưới điện quốc gia. Việt Nam đã có cơ chế chính sách cho sự phát triển năng lượng tái tạo, song hiện việc đấu nối đang bị hạn chế, nếu không giải quyết lâu dài vấn đề này thì Việt Nam sẽ khó để tiếp tục phát triển nguồn năng lượng tái tạo. 

Cùng với đó, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên thực thi tiết kiệm năng lượng hiệu quả hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo định hướng năng lượng xanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế xanh. Tuy nhiên thực tế, để triển khai có hiệu quả hơn nữa, cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ hơn. 

Các nội dung này sẽ được phối hợp xây dựng ngay từ ban đầu để đảm bảo đúng mục tiêu về phát triển năng lượng quốc gia, mục tiêu mà Liên minh châu Âu hướng tới trong việc hỗ trợ phát triển năng lượng xanh. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất phía Liên minh châu Âu hỗ trợ việc thực thi có hiệu quả chương trình chuyển đổi thị trường thiết bị có hiệu suất cao, thị trường dịch vụ năng lượng, năng lượng tiết kiệm hiệu quả, lưới điện thông minh, thành phố thông minh… 

Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, hai bên sẽ cần trao đổi thêm các vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý, tài chính và nhân sự. Các chương trình, kế hoạch hành động của Việt Nam trong thời gian tới, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đảm bảo thực hiện kế hoạch mà hai bên hợp tác… 

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030, và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương và đa phương. Vì vậy, các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí thải nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế xã hội. Trong khi các hỗ trợ của Liên minh châu Âu không thể trực tiếp khắc phục những thách thức này, Liên minh châu Âu cùng với các đối tác phát triển khác có thể hỗ trợ tài chính nhằm góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn và bền vững hơn…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục