Hòa Bình đầu tư phát triển vùng động lực kinh tế trong vùng Thủ đô

14:25' - 08/07/2017
BNEWS Chủ tịch UBND Hòa Bình đánh giá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của vùng hàng năm 7,1%, cao hơn trung bình toàn tỉnh 1,46%, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,9 lần so với bình quân chung toàn tỉnh.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Seyoung Inc (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Danh Lam/ TTXVN

Nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội, hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi, tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, từ năm 2011, tỉnh miền núi Hòa Bình đã triển khai Đề án phát triển Vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.

Theo đó, vùng động lực của tỉnh được xác định là dải hành lang tiếp giáp với Hà Nội dọc theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21 và đường cao tốc Hòa Lạc- thành phố Hòa Bình đang thi công; diện tích tự nhiên của vùng 796 km2 bao gồm 45 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình và 3 xã phía Bắc huyện Lạc Thủy.

Tỉnh Hòa Bình đã dồn sức đầu tư cho vùng này với tổng vốn đầu tư xã hội trong giai đoạn 2011- 2020 đạt 21.337 tỷ đồng, chiếm 66% vốn đầu tư xã hội của toàn tỉnh; trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước là 4.505 tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp trên 15.000 tỷ đồng.

Nhờ đầu tư có trọng điểm, phát triển các Khu công nghiệp Lương Sơn, Nam Lương Sơn, Mông Hóa, bờ trái sông Đà, đến nay vùng động lực kinh tế thu hút trên 70% các dự án, nhà máy công nghiệp của tỉnh; trong đó 278 dự án vốn đầu tư trong nước, 28 dự án trực tiếp nước ngoài; đóng góp 98% kim ngạch, xuất nhập khẩu của cả tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đánh giá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của vùng hàng năm 7,1%, cao hơn trung bình toàn tỉnh 1,46%, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,9 lần so với bình quân chung toàn tỉnh.

Cơ cấu kinh tế của vùng động lực chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ chiếm 83%, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản xuống 17%. Trong nông nghiệp bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như rau hữu cơ Lương Sơn, các tổ hợp, trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn ở Lương Sơn, Kỳ Sơn và Lạc Thủy.

Từ kết quả này, năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện Đề án phát triển vùng động lực kinh tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phạm vi vùng động lực mở rộng thêm 9 xã của huyện Lạc Thủy.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh huy động ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước và dân cư 33 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10.000 tỷ đồng, vốn ODA và tín dụng ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài 2.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn sẽ tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông, thủy lợi, hạ tầng các đô thị trung tâm, khu công nghiệp và các điểm du lịch.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các nhóm giải pháp về quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường chỉ đạo, hình thành Ban điều phối hoạt động vùng.

Với quyết tâm chính trị cao và quyết sách trúng, Hòa Bình hy vọng vùng động lực kinh tế với sự phát triển năng động, sẽ trở thành đầu tàu, lôi kéo, hỗ trợ các địa phương khác trong tỉnh phát triển.

>>> Hòa Bình đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục