Hòa Bình mở rộng diện tích cây ăn quả có múi và rau an toàn

07:52' - 05/07/2019
BNEWS Tính đến năm 2018, đối với nhóm cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm; cây rau đạt 270 triệu đồng/ha.
Vườn cam của một người dân ở Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Để tiến tới sản xuất tập trung, quy mô lớn, tỉnh Hòa Bình có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia sản xuất, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cây ăn quả có múi, rau an toàn.

Tính đến tháng 5/2019, tỉnh Hòa Bình đã có 210 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, 2.005 tổ hợp tác- nhóm liên kết sản xuất, 14 trang trại tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm cây ăn quả có múi, rau an toàn.

Điển hình như các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn. Việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết đã góp phần giải quyết sản phẩm tồn đọng, giảm hiện tượng thương lái ép giá, khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm nổi tiếng mỗi vùng.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, diện tích cây ăn quả có múi và rau an toàn liên tục được mở rộng, góp phần không nhỏ vào cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt.

Theo đó, năm 2014 giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 1,9% tổng giá  trị sản xuất nông nghiệp; năm 2016 đạt 3,82%, năm 2018, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt 5,4%, chiếm trên 67% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt tăng lên đáng kể và đạt trên 120 triệu đồng/ha.

Tính đến năm 2018, đối với nhóm cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm; cây rau đạt 270 triệu đồng/ha.

Tới nay, tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại các huyện như: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy.

Đồng thời, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao (cam CS1, cam BH, cam V2, bưởi đỏ, bưởi diễn, bưởi da xanh, ...) vào sản xuất. Năm 2014 diện tích là 2.800 ha; trong đó, có 1.200 ha kinh doanh với sản lượng 26.900 tấn.

Đến tháng 5/2019, diện tích đạt 10.200 ha; trong đó, diện tích trồng cam quýt là 5.311 ha, bưởi các loại 4.443 ha, chanh 426 ha; trên 5.200 ha kinh doanh (vượt 5.200 ha) so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra đến năm 2020.

Do triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất như quy hoạch vùng trồng; chuyển giao kỹ thuật tốt... nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày một đáp ứng với yêu cầu của thị trường; năng suất bình quân đạt trên 24 tạ/ha, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc.

Đồng thời, bộ giống cây ăn quả có múi khá đa dạng, đáp ứng yêu cầu rải vụ; trên cây cam, các giống chín sớm chiếm khoảng 25% diện tích (CS1, quýt Ôn Châu, cam BH/cam Marrs); chính vụ chiếm khoảng 45% diện tích (cam Xã Đoài, cam Vân Du, một số giống quýt, bưởi đỏ, bưởi da xanh); chín muộn chiếm 30% diện tích (cam đường canh, cam V2). Với thời gian thu hoạch kéo dài 9 tháng trong năm là yếu tố giúp ổn định giá bán cho người sản xuất.

Tuy tăng nhanh về diện tích và sản lượng nhưng diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ... vẫn còn hạn chế, tính đến tháng 5 năm 2019 toàn tỉnh mới có 1.194,9 ha được chứng nhận, chiếm 11,9 % diện tích canh tác.

Đối với cây rau, diện tích gieo trồng trung bình hàng năm đạt 11.000 - 12.000 ha, bước đầu hình thành và ổn định các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng như: vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; vùng sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn.

Diện tích rau su su 120 ha tập trung chủ yếu ở huyện Tân Lạc và tỏi tía 70 ha tại Mai Châu, Tân Lạc…Tính đến nay, tỉnh có 10 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,... với tổng diện tích canh tác là 72 ha; tương đương khoảng 220 ha gieo trồng, chiếm 1,83% diện tích rau toàn tỉnh.

Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi, cây rau, đặc biệt là sản phẩm rau hữu cơ, rau susu, tỏi tía đã được mở rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng.

UBND tỉnh đã ký văn bản hợp tác với UBND thành phố Hà Nội; chỉ đạo cơ quan chuyên môn ký kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh, đến nay các mục tiêu cơ bản của nghị quyết đã hoàn thành.

Các mục tiêu hiện đạt ở mức thấp cần được tiếp tục triển khai thực hiện khi xây dựng nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Những năm tới, Hòa Bình tiếp tục duy trì ổn định diện tích cây ăn quả có múi và cây rau như thời điểm hiện tại; tăng diện tích cây trồng đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ đến năm 2020 lên 6.000 ha.

Tối thiểu, tỉnh có 30% diện tích sản xuất kinh doanh cây có múi và rau chuyên canh có cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 40% diện tích sản xuất kinh doanh ra chuyên canh hoạt động theo nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục