Hòa Vang phát triển thêm 9 sản phẩm OCOP mới

14:23' - 30/10/2022
BNEWS Huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) có 12 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hiện UBND huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận thêm 9 sản phẩm OCOP mới.

Định hướng phát triển các sản phẩm OCOP mới của huyện đến năm 2025 và những năm tiếp theo của Hòa Vang là: gạo, trứng, ớt, nấm, cá, các sản phẩm tươi sống… với nỗ lực phát triển mỗi năm khoảng 8-10 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên.

* Thay đổi phương thức sản xuất

Tại huyện Hòa Vang có khu vực chuyên nuôi cá tại thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hoà Khương), trước đây chủ yếu nuôi cá Trê và các loại cá truyền thống, giá cả bấp bênh khó tiêu thụ, phương thức sản xuất cũ gây ảnh hưởng tới môi trường chung.

Nhưng từ năm 2017, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với UBND huyện Hoà Vang thực hiện nuôi thí điểm cá Thát Lát để hỗ trợ người dân chuyển dần diện tích ao hồ đang nuôi cá Trê sang nuôi cá Thát Lát. Sau khi mô hình được thực hiện thành công, hằng năm trên cơ sở nguồn sự nghiệp kinh tế, UBND huyện Hòa Vang đã hỗ trợ nhân rộng mô hình thêm từ 2-3 hộ nuôi/năm.

Là một trong những hộ đi đầu chuyển đổi mô hình, vợ chồng anh Cao Văn Tới, chị Lê Thị Bích Vân đã tìm tòi học hỏi, tự sản xuất và kinh doanh sản phẩm Chả cá Thát Lát. Nhờ chất lượng tốt, sản phẩm Chả cá Thát Lát được chính quyền định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương, được hỗ trợ về máy móc, thiết bị…

Đầu năm 2022, anh Cao Văn Tới vận động các hộ nuôi cá trong khu vực thành lập Hợp tác xã Làng Phú Sơn để liên kết sản xuất, bao tiêu cá thành phẩm cho bà con. Đồng thời, lập hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm chả cá này.

Anh Cao Văn Tới cho biết, hiện gia đình anh đang nuôi cá Thát Lát trên diện tích hồ rộng khoảng 5.000 m2, loài cá này cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cá cũ, lại sạch sẽ và không gây ô nhiễm. Bên cạnh nuôi cá, gia đình còn đầu tư mua máy móc, thiết bị, mở nhà xưởng chế biến chả cá để tối ưu lợi nhuận.

Bình quân mỗi ngày xưởng sản xuất được từ 60-80 kg chả cá, cho lợi nhuận khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Anh Tới hy vọng, khi được chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ giúp quảng bá thương hiệu và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm Chả cá Thát Lát Văn Tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết sản phẩm “Chả cá Thát Lát Văn Tới” là một trong 9 sản phẩm mà huyện đang hỗ trợ xây dựng hồ sơ để đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đang hỗ trợ cho Hợp tác xã Làng Phú Sơn xây dựng chứng nhận vùng nuôi cá an toàn, lập khu nuôi cấy cá giống. Để tiếp tục phát triển sản phẩm chả cá Thát Lát tại xã Hòa Khương, UBND huyện Hòa Vang đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các hộ nuôi, đảm bảo có nguồn cá thương phẩm để làm chả cá.

* Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 12 sản phẩm/11 chủ thể được UBND thành phố công nhận đạt OCOP. Cụ thể, có 6 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao gồm: chả bò Yến Tiên; nấm linh chi Nhơn Phước (Hòa Nhơn); rau an toàn Túy Loan (Hòa Phong); bánh tráng Đại Cường (Hòa Phú), rau hữu cơ Tâm An Farm (Hòa Khương); bún khô Phước Hòa (Hòa Phước). Bên cạnh đó, có 6 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao: nước Ion-pro Toàn Gia Phú (Hòa Sơn); rau ăn quả của Hợp tác xã Rau Túy Loan; bưởi da xanh của Hợp tác xã Rau hoa củ quả Hòa Ninh; rau ăn lá và dưa lưới của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Afarm; Kiệu hương (Hòa Nhơn).

Để tiếp tục phát triển các sản phẩm đã được chứng nhận, UBND huyện Hoà Vang đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND các xã đến từng chủ thể trao đổi đánh giá thực trạng và đề xuất nội dung hỗ trợ để các chủ thể đầu tư, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, nâng hạng cho sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thời gian qua UBND huyện Hoà Vang đã tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội chợ nông sản trên địa bàn huyện.

Hội chợ nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mở rộng giao lưu, học tập kinh nghiệm, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nhiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm OCOP...

Đồng thời, Hội chợ cũng tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng hiện có 40 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao của 36 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban thông tin: từ nay đến năm 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu có hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Sở đang phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP, nhất là hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục