Hoãn phiên tòa xét xử sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang

13:17' - 18/09/2019
BNEWS Phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ được mở lại vào ngày 14-16/10 tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Theo bà Vương Thị Thu Hà, Phó Chánh toà Hình sự - Toà án Nhân dân tỉnh Hà Giang: Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định tuyên bố hoãn phiên tòa do vắng mặt quá nhiều người làm chứng, bởi sự vắng mặt này ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ được mở lại vào ngày 14-16/10 tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Quyết Chiến-TTXVN

Ngày 18/9, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đưa ra xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm cho hàng loạt thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày.

Vụ án gian lận thi cử này có 5 bị cáo. Trong đó, 2 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (nguyên Trưởng và Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356, Bộ luật hình sự 2015.

Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358, Bộ luật hình sự 2015.

Hai bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng Đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh "lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo điều 366, Bộ luật hình sự 2015.

Hội đồng xét xử gồm thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Chủ tọa; thẩm phán Mai Văn Hùng; 3 hội thẩm nhân dân là các ông bà: Văn Minh Tiến, Trần Thị Ngoan và Nguyễn Thị Phượng. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa là ông Trần Quốc Hùng và bà Vũ Thị Thanh Nga.

Trước phiên xử, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã gửi giấy triệu tập 177 người có quyền và nghĩa vụ liên quan (gồm các vị phụ huynh có con được nâng điểm) và người làm chứng (trong đó có cả nguyên lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang).

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và bị cáo Vũ Trọng Lương (hàng trên) và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Quyết Chiến-TTXVN

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là ông Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở. Các ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang (đã nghỉ hưu) đến Tòa với tư cách nhân chứng.

Ba luật sư bào chữa gồm Hoàng Văn Hướng, Đinh Việt Thanh và Hoàng Văn Doãn, đều bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang).

Sau khi Chủ tọa - thẩm phán Vương Thị Thu Hà công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo, người làm chứng và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Mặc dù Hội đồng xét xử triệu tập 177 người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới phiên tòa nhưng có 12 trường hợp giấy triệu tập gửi báo phát bị trả lại nên chỉ có 165 người nhận được giấy triệu tập. Trong sáng 18/9, chỉ có khoảng 1/3 số người được triệu tập có mặt tại tòa. Số còn lại vắng mặt không lý do hoặc có đơn xin vắng mặt.

Về phía cơ quan tố tụng, theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, qua xem xét số liệu, việc vắng mặt của những người làm chứng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bị cáo nên phía Viện Kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử, Viện Kiểm sát đề nghị triệu tập thêm bà Vũ Thị Kim Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên tỉnh Hà Giang và bà Tống Thị Phương (là cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương).

Sau khi Hội đồng xét xử hội ý, chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định hoãn phiên tòa với lý do những người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ đến phiên tòa nhưng vẫn có nhiều người vắng mặt có và không có lý do. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét xử vụ án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục