Hoàng Anh Gia Lai tìm lại hào quang từ trồng chuối và nuôi lợn?

10:00' - 02/11/2022
BNEWS Sau thời gian dài chìm trong nợ nần, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) đang tìm lại ánh hào quang nhờ cây chuối và con lợn.

Lĩnh vực này có thể đem lại lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng trong năm nay và cả sự tự tin cho ông Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức.

*Nhất cử lưỡng tiện

Ngày 17/9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức ra mắt thương hiệu BAPI “Heo ăn chuối” và cửa hàng BapiMart đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh với sản phẩm chủ lực là thịt lợn mảnh. “Heo ăn chuối” được giới thiệu là sản phẩm thịt thơm ngon và sạch do lợn ăn chuối sạch quanh năm ít mắc bệnh dịch hơn.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, sự gia nhập của Hoàng Anh Gia Lai phần nào đang “hợp xu thế” khi có sự dịch chuyển trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Việc Hoàng Anh Gia Lai ra mắt thương hiệu “heo ăn chuối” thực tế đã gây xôn xao dư luận. Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã ra báo cáo phân tích về Hoàng Anh Gia Lai.

Theo VCSC, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi lợn của Hoàng Anh Gia Lai sẽ tăng. Từ 50% chuối thải không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Hoàng Anh Gia Lai phát triển mô hình kinh doanh mới mẻ - sử dụng chuối thải (trái chuối) làm nguyên liệu thức ăn cho lợn. Đây là mô hình kinh doanh độc đáo trên thị trường, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa mang lại lợi nhuận cạnh tranh so với các đối thủ khác.

Thức ăn cho lợn từ chuối có thể tiết kiệm 1/3 tổng chi phí chăn nuôi, đem lại biên lợi nhuận gộp hơn 30% cho mảng chăn nuôi lợn của Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn từ 400.000 con/năm vào năm 2021 lên 1 triệu con/năm vào năm 2023.

Năm 2022, VCSC dự báo nguồn cung thịt lợn của Việt Nam sẽ tăng với tốc độ chậm hơn so với nhu cầu, do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, cộng với thách thức liên tục từ dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi không muốn tái đàn.

Sự chênh lệch cung cầu này sẽ là yếu tố dẫn đến giá thịt heo tăng trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ kế hoạch mở rộng chăn nuôi của Hoàng Anh Gia Lai.

Theo nhóm phân tích đến từ VNDIRECT, với thu nhập cao hơn, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao sẽ dẫn đến nhu cầu về thịt sạch tăng lên.

Theo Công Ty TNHH IPSOS -  một trong những công ty chuyên nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, phân khúc thịt lợn thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.

Trong khi đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, với nguồn thức ăn chăn nuôi lợn sạch và tự nhiên, thịt BAPI có chất lượng cao và giá bán cạnh tranh. Do đó, giới phân tích cho rằng thịt BAPI có vị thế tốt để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thịt có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng.

Đối với sản phẩm chuối, VCSC tin rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu chuối ngày càng tăng của Trung Quốc. 

Chuối là sản phẩm trái cây cốt lõi của Hoàng Anh Gia Lai, với diện tích trồng là 5.000 ha, chiếm tới 50% tổng diện tích canh tác trái cây của HAG. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp và VCSC tin rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng từ quốc gia này vào năm 2022, nhất là khi sản phẩm chuối của Hoàng Anh Gia Lai có chất lượng cao và giá bán cạnh tranh.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, cây chuối đang rất tốt, thị trường xuất khẩu ổn định, giá tăng. Về nuôi lợn, khi giá bán thấp, nông dân sẽ bỏ nuôi, do đó đến cuối năm hoặc năm sau nếu thiếu lợn giá sẽ lại được đẩy lên. Đây là cơ sở để ông tự tin kết quả kinh doanh sẽ rất tốt.

*Quá khứ huy hoàng và “cú ngoặt” vào bóng tối

Năm 2009, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 13.000 tỷ đồng (tỷ giá lúc này khoảng 16.000 đồng/USD) và đứng trước cơ hội trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã có thời được coi là ông “trùm” bất động sản. Doanh nghiệp của ông đi đầu trong phát triển dự án cao tầng ở các thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Định… Hoàng Anh Gia Lai sở hữu khu phức hợp gồm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê lớn nhất Yangon (Myanmar); những tòa nhà cao nhất, hiện đại nhất, lớn nhất ở Attapeu (Lào).

Thậm chí, ông Đoàn Nguyên Đức còn có kế hoạch mua 20% cổ phần Asenal, đứng thứ 5 trong danh sách 20 câu lạc bộ bóng đá có doanh thu cao nhất thế giới.

Khi đang trên đỉnh cao, những năm 2011- 2012, ông Đoàn Nguyên Đức đã quyết định dồn tổng lực đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn, trải dài ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Ông Đoàn Nguyên Đức tâm sự, khi đang trên đỉnh cao của ngành bất động sản, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư tới 2 tỷ USD để trồng cao sư. Tuy nhiên, giá mủ cao su giảm mạnh từ 5.000 USD xuống hơn 1.000 USD/ tấn, trong khi giá thành là 1.400 USD/tấn, khiến doanh nghiệp “đi từ đỉnh xuống đáy”, chìm sâu trong thua lỗ và buộc phải tuyên bố mất thanh khoản.

Suốt những năm tháng khó khăn, Hoàng Anh Gia Lai liên tục đưa ra các chiến lược phát triển mới, “xoay” đủ mọi cách để tồn tại, từ nuôi bò Úc vỗ béo, bò sữa, trồng cây ăn trái…, nhưng vẫn nhiều năm lỗ liên tiếp.

Năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ đồng ý cho tái cấu trúc, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đó là cơ hội để công ty thoát cảnh phá sản nhờ “bắt tay” với ông chủ Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) do tỷ phú Trần Bá Dương sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đây là thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán đối với hai doanh nghiệp trong nước.

Kế hoạch hợp tác chiến lược là THACO đầu tư khoảng trên 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai.

Thực tế, qua nhiều năm loay hoay với việc “trồng cây gì nuôi con gì” không hiệu quả, Hoàng Anh Gia Lai liên tiếp chìm sâu vào thua lỗ, nhiều lần đối diện án hủy niêm yết cổ phiếu, mãi đến năm 2020, khi tìm được hai trụ cột chính là trồng chuối và nuôi lợn, Hoàng Anh Gia Lai mới bắt đầu có lãi trở lại.

Hồi tháng 9, tại buổi ra mắt thương hiệu BAPI – “Heo ăn chuối” ở Tp. Hồ Chí Minh, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin khẳng định Hoàng Anh Gia Lai đã thoát “cửa tử”.

Thực tế, lũy kế 9 tháng của năm 2022, HAG đạt hơn 890 tỷ đồng lợi nhuận ròng, cao gấp hơn 21,2 lần cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu thuần cao gấp 2,5 lần và tăng hoàn nhập dự phòng khoản phải thu hơn 822 tỷ đồng. Qua đó, lỗ lũy kế tính đến cuối quý III của HAG giảm từ hơn 4.467 tỷ đồng xuống còn 3.578 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, và 1 triệu con lợn ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh chuỗi Bapi Food với khoảng 1.000 cửa hàng; trong đó có nhượng quyền. Ngoài ra, lợn và gà ăn chuối, Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ bày bán thêm các trái cây của doanh nghiệp tại Bapi Food và bán online qua app.

“Tôi có thể khẳng định Hoàng Anh Gia Lai đã sang trang mới”- Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tự tin nói.

Trên thị trường chứng khoán, mở phiên giao dịch ngày 2/11, giá cổ phiếu HAG là 8.830 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục