Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII: Những ý kiến tâm huyết của người dân tỉnh Thái Nguyên

14:20' - 09/05/2018
BNEWS Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII diễn ra từ ngày 7 - 12/5 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Ngân, Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng, nếu thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết cải cách của Trung ương, tiền lương của cán bộ công chức sẽ được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, việc cải cách này theo bà Hoàng Thị Ngân phải gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy khu vực công mới tạo ra bước ngoặt trong nâng cao năng suất lao động, sản xuất.

Ngoài ra, cũng nên tính toán lại quy định về phụ cấp lương giữa các ngành nghề cho phù hợp, hạn chế tình trạng tiền phụ cấp cao hơn tiền lương cơ bản. Trung ương cũng cần xem xét lại chế độ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp, hiện nay, viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp có thu thì có thêm thu nhập, viên chức tại các tổ chức Hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước lại không được bất cứ khoản phụ cấp nào. 

Về Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, theo bà Nguyễn Thị Vinh, cán bộ hưu trí tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên: Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý hiện nay cần được quan tâm, coi trọng. 

Bà Vinh cho rằng, quá trình thực hiện công tác cán bộ phải được triển khai nghiêm túc, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm từ việc thực hiện quy trình lựa chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… tránh tình trạng lợi ích nhóm trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, gây bức xúc trong nhân dân. 

Đối với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Mạnh Thắng ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương cho rằng: Trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cái khó là mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện với đối tượng là nông dân do đối tượng này rất rộng. Do vậy, chính sách cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp cũng như cách xử lý khi mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân. Ngoài ra, cần cân nhắc chỉ tiêu mà Đề án đưa ra để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục