Hơn 40.000 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

14:49' - 18/02/2024
BNEWS Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước đã có 40.355 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 94,36% so với kế hoạch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết: Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, ngành thuế đã và đang góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

 

Theo đó, sau hơn một năm chính thức áp dụng và vận hành giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền ngành thuế đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, có 63/63 cục thuế đã triển khai việc rà soát đối tượng thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và từng cục thuế đã lập kế hoạch triển khai cho năm 2023.

Kết quả tính đến ngày 31/12/2023, cả nước đã có 40.355 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 94,36% so với kế hoạch, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 104,8 triệu hóa đơn - bình quân đạt 2.597 hóa đơn/cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ triển khai như quy định hiện hành cho phép người bán được đồng thời sử dụng nhiều hình thức hóa đơn (hóa đơn có mã, hóa đơn không mã, hóa đơn từ máy tính tiền) nên người bán không bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền mặc dù đã đăng ký sử dụng.

Cùng với đó, do chưa có quy định bắt buộc người bán phải áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền dẫn đến nhiều cơ sở kinh doanh còn chần chừ, chưa triển khai. Các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn chưa đủ mạnh, mặc dù ngành thuế đã triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" nhưng số giải cũng như giá trị giải thưởng còn thấp do nguồn kinh phí từ các cơ quan thuế địa phương còn hạn chế.

Ngoài ra, việc chưa quyết liệt trong phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương, rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực buôn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở pháp lý đến thói quen sử dụng hóa đơn điện tử của người tiêu dùng, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị cần khắc phục khó khăn, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND các cấp để triển khai có hiệu quả các giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục