Hợp chất mới giúp điều trị bệnh Alzheimer

07:30' - 22/09/2024
BNEWS Theo các nhà khoa học, hợp chất TAT-TrkB hoạt động với một cơ chế độc đáo, khác biệt so với các phương pháp điều trị Alzheimer hiện nay.

Nhà dược lý thần kinh Maria Jose Diogenes cùng các cộng sự đã phát hiện tiềm năng của một hợp chất mới trong việc điều trị bệnh Alzheimer, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chống lại chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất hiện nay.

 

Hãng thông tấn Lusa (Bồ Đào Nha) dẫn lời bà Diogenes - hiện đang làm việc tại Viện Dược lý và Thần kinh học thuộc trường Y, Đại học Lisbon - cho biết hợp chất này có tên là TAT-TrkB, đã được thử nghiệm trên các mô hình chuột thí nghiệm, cho thấy khả năng "ngăn ngừa tình trạng mất trí nhớ và suy giảm khả năng học hỏi, mà không gây ra tác dụng phụ nào".

Theo các nhà khoa học, hợp chất TAT-TrkB hoạt động với một cơ chế độc đáo, khác biệt so với các phương pháp điều trị Alzheimer hiện nay. Phương pháp mới bảo vệ yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) - một phân tử quan trọng đối với  trí nhớ và khả năng học hỏi, thường bị suy giảm ở bệnh nhân Alzheimer. TAT-TrkB phục hồi chức năng của BDNF bằng cách ngăn chặn tổn thương cho thụ thể của nó là TrkB-FL, thường bị cắt đứt trong bệnh Alzheimer, từ đó làm suy yếu các tác động bảo vệ thần kinh của phân tử này.

Bà Diogenes chia sẻ: "Kết quả của chúng tôi chứng minh rằng TAT-TrkB có thể cải thiện trí nhớ và khả năng học hỏi ở mô hình chuột mắc Alzheimer một cách đáng kể mà không gây ra tác dụng phụ".

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí "Molecular Therapy" nhân ngày Thế giới nhận thức về Alzheimer, được tổ chức vào ngày 21/9 hằng năm. Nhóm nghiên cứu của bà Diogenes đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện phương pháp điều phối hợp chất và khám phá các hợp chất liên quan, với mục tiêu tiến tới các thử nghiệm lâm sàng.

Đột phá khoa học này mở ra hy vọng không chỉ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer, mà còn có thể phục hồi chức năng nhận thức ở bệnh nhân. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi hợp chất này có thể được thử nghiệm trên người.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục