Hướng dẫn cách nhận biết cà phê thật và cà phê giả

13:04' - 20/04/2018
BNEWS Để bảo vệ mình trước thực trạng này, người tiêu dùng nên tìm hiểu một số cách thức để phân biệt cà phê thật và cà phê giả.

Vấn đề cà phê bẩn đã được bàn luận từ lâu nay. Tuy nhiên, phải đến khi vụ cà phê nhuộm pin bị phát hiện ở Đắk Nông gần đây, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này càng trở nên cấp bách hơn.

Để bảo vệ mình trước thực trạng này, người tiêu dùng nên tìm hiểu một số cách thức để phân biệt cà phê thật và cà phê giả.

Chế biến cà phê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện. Ảnh: TTXVN phát

Để rõ hơn, người tiêu dùng nên có sự hiểu biết trên thị trường hiện có 3 loại cà phê như sau:

- Loại thứ nhất là cà phê sạch 100%, đây là loại cà phê hữu cơ từ thiên nhiên. Hạt cà phê thật được trồng và chăm sóc sau đó thu hoạch và chế biến không có phụ gia và hóa chất.

- Loại thứ hai là cà phê sử dụng hương liệu để đồng hóa sản phẩm cà phê, loại này các nhãn hiệu đa quốc gia thường sản xuất như : cà phê sữa, cà phê hòa tan….Nó tạo ra những loại cà phê mang hương vị mới theo mục đích và nhu cầu sử dụng.

- Loại thứ ba cũng sử dụng hương hiệu và có pha độn một số thành phần khác như là: socola, ca cao, chicory, các chất thay thế…ở Việt Nam còn sử dụng bắp, đậu nành, bơ... để thay thế tùy vào hàm lượng pha trộn.

Cà phê được đánh giá và được coi là sản phẩm chất lượng khi nhà sản xuất ghi rõ thành phần và hàm lượng pha trộn trong cà phê. Còn việc không công bố hoặc công bố sai sự thật được coi là sản xuất cà phê giả. Ở Việt Nam loại thứ 3 rất phổ biến và thường được công bố chất lượng như loại một mà ta không biết phân biệt thật giả.

Sau đây là một số hướng dẫn cách phân biệt cà phê thật và cà phê giả:

Xét về khối lượng riêng

Bột cà phê nguyên chất luôn có khối lượng riêng thấp hơn bột cà phê độn các loại ngũ cốc khác. Vì thế, nếu bạn cầm trong tay 2 bịch cà phê 500g (hoặc cùng khối lượng), bạn sẽ dể dàng biết cách nhận biết cà phê nguyên chất vì bịch cà phê nguyên chất 100% thường phình to hơn bịch cà phê độn các loại đậu hay bắp rang, nhưng bạn sẽ có cảm giác bịch cà phê nguyên chất nhẹ hơn do khối lượng riêng nhẹ hơn.

Độ xốp của bột cà phê

Bột cà phê nguyên chất có độ xốp, tơi và rời. Bột độn các hạt ngũ cốc khác thường dính lại, thậm chí vón cục. Nếu bạn có 1 bịch cà phê nguyên chất và một bịch cà phê không nguyên chất, cách nhận biết cà phê nguyên chất là bạn mở 2 bịch cà phê ra, lấy 2 chén nước, múc 2 muỗng bột của 2 bịch đổ lên mặt nước.

Bột cà phê nguyên chất xốp nhẹ, có khối lượng riêng thấp, thể tích lớn hơn bột độn các loại ngũ cốc rang, nên có khuynh hướng nổi lên trên, còn bột độn các hạt ngũ cốc có khối lượng riêng lớn hơn, nên sẽ nhanh chóng chìm xuống.

Độ mịn bột cà phê

Khi rang đến nhiệt độ và thời gian thích hợp…, bột cà phê nguyên chất có màu nâu đậm. Nếu hạt cà phê rang chưa đến nhiệt độ và thời gian nổ lần 1, tức là ở giai đoạn medium (rang vừa) hoặc light (rang nhạt), thì bột có màu vàng sáng vị chua, và mùi nồng. Hạt bắp rang để độn vào cà phê thường có màu "đen" đậm.

Nếu bột trong 1 bịch cà phê có màu nâu đậm ngã vàng, thể tích nhỏ, nhưng cầm nặng tay là tỷ lệ đậu nhiều. Bột cà phê có màu đen thui thể tích cũng nhỏ là có trộn nhiều bắp.

Mùi của bột cà phê

Mùi thơm của bột cà phê nguyên chất rất dễ chịu, hấp dẫn và rất đặc trưng. Bắp và đậu nành có mùi hơi tanh, gắt, và mùi hăng hắt của hương liệu tẩm vào, bốc lên một mùi nặng nề của caramen và chất tạo mùi cà phê.

Trạng thái của bột cà phê thật khi gặp nước sôi

Đây là điểm mà bạn rất dễ dàng nhận biết để phân biệt chính xác cà phê nguyên chất với cà phê độn hay bột của các loại hạt ngũ cốc khác.

Như đã nhận định, do hạt cà phê được cấu tạo bởi cấu trúc sợi celluose và chứa rất ít tinh bột, nên thuộc tính đặc biệt của bột cà phê rang là rất tơi xốp, và chứa nhiều khoang không khi bên trong do cấu trúc cao phân tử, các sợi cellulose bị bẻ gảy dưới tác động nhiệt trong quá trình rang …

Khi bạn chế nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bột mạnh, thậm chí tràn ra cả ngoài phin.

Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20-25g) vào phin, bạn chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống, lịm xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin nầy có rất rất ít cà phê.

Trái lại, trong loại bột nầy có tỷ lệ phần trăm rất nhiều bột của các loại hạt khác được tẩm hương liệu nhân tạo nồng độ cao.

Bột bắp, bột đậu rang khi gặp nước sôi trở nên dẻo, dính và xẹp xuống do các loại ngũ cốc luôn có chứa nhiều tinh bột. Trái lại cà phê được cấu tạo bởi các hợp chất cao phân tử cellulose, chứa rất ít tinh bột.

Quá trình rang hạt cà phê nở lớn, bên trong tạo ra các khoang không khí, gặp nước sôi, không khí bên trong nở lớn, làm sủi bọt bột cà phê và khiến bột cà phê thật trào lên trong phin. Đây là một hiện tượng rất dễ nhận ra.

Độ sánh của nước cà phê

Nước của ly cà phê nguyên chất có độ sánh hầu như không đáng kể. Nước của bột cà phê độn bắp rang hay bột đậu rang chứa rất nhiều tinh bột, nên rất sánh, rất đặc kẹo, thậm chí là sánh dẻo.

Do đó, chúng ta không nên uống những ly cà phê có nước cà phê kẹo, "ôm đá", viên đá trong ly cà phê có màu nâu sánh sánh bám lấy đá vì rất ít cà phê mà toàn đậu nành và bắp rang.

Hương và vị của cà phê

Cà phê khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ cho chúng ta ly cà phê nguyên chất có vị đắng thanh xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, rất tinh tế do yếu tố của các thành phần acid chứa đằng sau của vị đắng trong hạt cà phê.

Vị chua thanh nhẹ nhàng này khác với vị chua của cà phê bị hư do tinh bột để qua đêm. Mùi hương của cà phê nguyên chất không thô bạo dai dẵng như mùi hóa chất nhưng dịu dàng, sâu lắng.

Bọt của cà phê

Bản thân nước pha cà phê khi đánh lên với đường cũng tạo ra 1 ít bọt màu nâu sáng trông rất đẹp. Nhưng có 1 số người tiêu dùng ngộ nhận và yêu cầu quá đáng về ly cà phê phải có bọt đẹp. Để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng hầu giữ khách và thu lợi nhuận, một số nhà sản xuất cho chất tẩy rửa bề mặt vào cà phê để tạo bọt.

Vậy, bạn cũng cần biết cách phân biệt hai thứ bọt này. Nếu bọt mỏng tanh, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì chắc chắn đấy là bọt xà bông. Bọt cà phê tiêu biểu khá đồng đều về kích cỡ, đục hơn và trông “dày” hơn, nhưng mau xẹp xuống.

Phân biệt cuối cùng là trải nghiệm của chính bạn

Cuối cùng, rất thực tiễn là chính bạn. Vào 1 ngày đẹp trời nào đó , bạn hãy bỏ chút thì giờ ra tiệm bán cà phê hạt đã rang mua vài lạng cà phê mộc. Khi mua bạn cần xem xét kỹ đó là cà phê hạt rang nguyên chất, mộc mạc, không trộn hạt gì khác và không tẩm các phụ gia nào khác. Mua xong, bạn nhờ xay ra bột.

Đem về, sáng hôm sau, bạn tự tay, khoan thai, pha 1 ly cà phê. Pha xong, bạn đến ngồi 1 chỗ tỉnh lặng, bình yên. Trong cái không gian yên lành và tinh anh của buổi sáng, với tâm hồn thanh tịnh, bạn ngồi đó từ từ uống từng ngụm nhỏ cà phê nóng, nguyên chất… Rồi bạn sẽ biết cà phê đích thực là gì…. Đây là cách tốt nhất để mếm biết hương vị tinh khiết của cà phê.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục