Indonesia huy động máy xúc để giải cứu những người còn mắc kẹt trong vụ sập hầm mỏ

16:10' - 01/03/2019
BNEWS Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 1/3 phải huy động máy xúc hạng nặng đến hiện trường vụ sập mỏ khai thác vàng ở đảo Sulawesi để có thể tiếp cận được hơn 30 người vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Nhân viên cứu hộ Indonesia chuyển thi thể nạn nhân vụ sập hầm mỏ ở Sulawesi ngày 27/2. Ảnh: THX/TTXVN

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong vụ việc. Các nhân viên cứu hộ trước đó chỉ sử dụng thuổng và thậm chí tay không để cứu nạn và cứu hộ do khu vực xảy ra sự cố có địa hình hiểm trở, việc sử dụng thiết bị hạng nặng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn như nguy cơ xảy ra lở đất hoặc đất đá đổ sập lên những người bị mắc kẹt.

Tuy nhiên, 3 ngày sau khi xảy ra vụ việc, được sự đồng thuận của gia đình các nạn nhân, giới chức Indonesia đã quyết định sử dụng máy xúc hạng nặng để gạt bỏ những lớp đất đá, tạo điều kiện cho công tác đưa thức ăn và nước uống cho những người bị mắc kẹt được cho là vẫn còn sống.

Hiện lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với một số nạn nhân mắc kẹt ở sâu dưới mỏ vàng. Theo số liệu của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, tính đến nay, ít nhất 8 người đã thiệt mạng, gần 20 người đã được cứu sống.

Vụ sập hầm mỏ khai thác vàng bất hợp pháp trên xảy ra vào tối 26/2. Nguyên nhân tại nạn được xác định là do các thanh xà, ván chống đỡ trong hầm bị gãy đột ngột do nền đất tại đây không ổn định.

Tai nạn sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra Indonesia do hoạt động khai thác trái phép khiến nhiều vùng đồi núi bị khoét rỗng làm gia tăng nguy cơ sập đổ và các quy định về an toàn không được tuân thủ.

Tháng 12/2018, một vụ tai nạn hầm mỏ khai thác vàng cũng xảy ra tại khu vực đảo Sulawesi, khiến 5 người thiệt mạng. Trước đó, năm 2015 và 2016, hai vụ sập hầm mỏ tại tỉnh Jambi và trên đảo Java cũng đã cướp đi sinh mạng của 23 người./.

Xem thêm:

>>Sập hầm mỏ tại Indonesia, hàng chục người bị chôn vùi

>>Sập hầm ở Peru, nhiều thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 800 m

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục