Indonesia lên kế hoạch thành lập ngân hàng vàng miếng

14:49' - 23/08/2022
BNEWS Indonesia tái khẳng định kế hoạch thành lập ngân hàng vàng miếng bằng cách hợp nhất ngân hàng BRI và Công ty PT Pegadaian để chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn dự trữ vàng ở Singapore.

Ngân hàng vàng miếng cung cấp các giao dịch vàng bạc, bao gồm dịch vụ xuất nhập khẩu cũng như lưu trữ kim loại quý. Nhiều ngân hàng quốc tế như JP Morgan, HSBC, UBS và Credit Suisse đang cung cấp các dịch vụ này.

 
Các công ty khai thác vàng Indonesia lâu nay gặp khó khăn trong việc quản lý nguồn dự trữ trong nước do chưa có ngân hàng vàng miếng. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu vàng của Indonesia đạt khoảng 8 tỷ USD, trong đó Singapore là điểm đến chính, tiếp đó là Nhật Bản và Thụy Sỹ.

Aestika Oryza Gunarto, Thư ký BRI, cho biết chính phủ kế hoạch sáp nhập ngân hàng quốc doanh này với công ty môi giới cầm đồ Pegadaian thuộc sở hữu của nhà nước để thực hiện dự án thành lập ngân hàng vàng miếng.

Ông Gunarto lưu ý rằng Pegadaian là một công ty con của BRI và thuộc Ultra Micro Holding do BRI điều hành cùng một công ty con khác của BRI là công ty tài chính vi mô PT Permodalan Nasional Madani. Việc nắm giữ này có thể tạo điều kiện cho hợp tác giữa BRI và Pegadaian trong các hoạt động của ngân hàng vàng.

Trao đổi với tờ Jakarta Post ngày 22/8, ông Gunarto nói Indonesia hy vọng ngân hàng vàng miếng có thể góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác vàng địa phương thông qua việc mở ra các cơ hội tài chính. Điều này phù hợp với sứ mệnh của Ultra Micro Holding.

Theo ông Gunarto, trong các yếu tố thúc đẩy ý tưởng thành lập ngân hàng vàng miếng có việc gia tăng giá trị cho các hoạt động kinh doanh kim loại quý trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, khái niệm ngân hàng vàng là điều còn mới mẻ ở Indonesia và việc thành lập ngân hàng này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ các quy định, cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực và quản lý rủi ro...

Theo số liệu của chính phủ, tiềm năng khai thác vàng của Indonesia tập trung tại huyện Grasberg, tỉnh Papua, với trữ lượng 30,2 triệu ounce. Hiện Indonesia là nước sản xuất vàng lớn thứ 7 thế giới với sản lượng hàng năm đạt khoảng 4,59 triệu ounce. Trong khi đó, tiêu thụ vàng trong nước đạt trung bình 172.800 ounce vàng miếng và 137.600 ounce vàng trang sức mỗi năm.

Trước đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto đã nhắc lại kế hoạch thành lập ngân hàng vàng miếng vốn bị trì hoãn từ lâu, đồng thời tiết lộ rằng Pegadaian đang xin giấy phép thành lập tổ chức này với hy vọng hoàn tất vào năm 2023.

Ông Airlangga lập luận rằng nếu Indonesia sở hữu ngân hàng vàng trong nước, chính phủ sẽ không cần tiếp tục miễn thuế nhập khẩu vàng và có thể buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tất cả các giao dịch trong nước. Do đó, các giao dịch vàng sẽ được tiến hành trong nước, không cần qua trung gian là các ngân hàng vàng quốc tế.

Về phần mình, ông Piter Abdullah, nhà kinh tế cao cấp và là giảng viên tại Viện nghiên cứu Perbanas, cho rằng việc Indonesia có ngân hàng vàng riêng vào cuối năm 2023 bằng cách hợp nhất BRI và Pegadaian là điều hợp lý. Tuy nhiên, để đạt được điều này, trước hết chính phủ cần củng cố lĩnh vực hạ nguồn.

Ông Piter nhấn mạnh Indonesia sở hữu một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm khai thác luôn được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Indonesia chưa phát triển lĩnh vực vàng hạ nguồn, bao gồm các hệ thống giao dịch và các giao dịch phái sinh khác.

Cuối cùng, ông Piter khẳng định rằng đây là thời điểm thích hợp để Indonesia thành lập ngân hàng vàng, nhưng cho rằng chừng nào quốc gia này vẫn tiếp tục quản lý nguồn tài nguyên vàng của mình theo cách cũ và vẫn xuất khẩu vàng ở dạng thô, ý tưởng thành lập ngân hàng vàng sẽ khó thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục