Indonesia sẽ tăng giá xăng và khí đốt được trợ giá

07:48' - 05/04/2022
BNEWS Indonesia đang lên kế hoạch tăng giá xăng Pertalite (xăng có chỉ số octane – Ron 90) và bình khí đốt hóa lỏng (LPG) loại 3 kg được nhà nước trợ giá trong những tháng tới nhằm bảo vệ ngân sách.
Ngày 1/4, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá các loại nhiên liệu được trợ giá nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá thế giới và trong nước.

Theo số liệu của tập đoàn dầu khí nhà nước Pertamina, xăng Pertalite và bình LPG loại 3 kg đang là hai loại nhiên liệu phổ biến nhất và chiếm phần lớn lượng xăng và LPG tiêu thụ trong nước.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Luhut cho biết: “Giá cả đã rất rất mạnh. Nếu tiếp tục duy trì mức giá hiện tại, Pertamina sẽ sụp đổ. Vì vậy, chúng tôi buộc phải buông bỏ. Giá của tất cả nhiên liệu sẽ tăng song chúng tôi sẽ điều chỉnh từng bước”.

Kế hoạch tăng giá là một biện pháp khác của chính phủ nhằm giảm thiểu chi tiêu ngân sách trợ giá năng lượng trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao do nhu cầu đi lên và ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraine (U-crai-na). Ví dụ, giá dầu Brent đã vượt 100 USD/thùng, gần gấp đôi so với mức giả định 63 USD/thùng trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022.

Mặt khác, chính phủ cũng buộc phải đưa thâm hụt ngân sách về dưới ngưỡng luật định 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023, sau khi nâng mức trần này vào năm 2020 để có kinh phí ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tuyên bố của ông Luhut được đưa ra cùng ngày khi chính phủ điều chỉnh giá xăng Pertamax (Ron 92) từ mức 9.000 rupiah (0,63 USD) lên 12.500 rupiah mỗi lít. Pertamina lưu ý rằng mặc dù tăng giá, xăng Pertamax hiện vẫn nằm dưới mức giá 16.000 rupiah để đảm bảo khả năng chi trả.

Đây là lần đầu tiên giá xăng Pertamax được điều chỉnh tăng tại Indonesia trong hai năm qua, trong khi giá bình LPG loại 3 kg đã được giữ nguyên trong 15 năm qua.

Theo dữ liệu của Pertamina, Pertamax chiếm 13% lượng xăng tiêu thụ nội địa trong năm 2020. Pertamax Turbo (Ron 98) chiếm 1%, trong khi xăng Premium (RON 88) chiếm 23% và xăng Pertalite chiếm 63%.

Ông Luhut cho hay chính phủ sẽ tính toán và lên lịch trình tăng giá một cách cẩn thận và công khai nhằm giảm thiểu các cú sốc kinh tế, đặc biệt là sau khi thuế giá trị gia tăng (VAT) được nâng từ 10% lên 11% từ ngày 1/4.

Trợ cấp năng lượng là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Theo số liệu của Pertamina, LPG được trợ giá chiếm 93% tổng lượng LPG tiêu thụ ở Indonesia, trong khi xăng và dầu diesel được trợ giá chiếm 83% tổng mức tiêu thụ.

Hôm 29/3, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại và đầu tư) thuộc Hạ viện, Giám đốc điều hành Pertamina Nicke Widyawati đã đề nghị các cơ quan quản lý chuyển sang cơ chế trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng người tiêu dùng đủ điều kiện thay vì cho các công ty, qua đó giúp giảm tổng chi tiêu trợ cấp năng lượng của nhà nước vì sẽ có ít người tiêu dùng đủ điều kiện mua nhiên liệu được trợ cấp hơn.

Trước đó tại phiên điều trần hôm 28/3 trước Quốc hội, Tổng cục trưởng Dầu khí thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Tutuka Ariadji cho rằng việc kiểm soát giá trong nước phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng Nga-Ukraine.

Ông Tutuka dự báo rằng giá dầu thế giới vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ đạt đỉnh trong tháng Tư do ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Giá dầu Brent sẽ tăng lên 130 USD/thùng trong khi giá khí đốt tự nhiên cũng sẽ tăng do nguồn cung sụt giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục