Italy kêu gọi ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất

08:04' - 01/11/2024
BNEWS ECB đang cân nhắc tốc độ hạ lãi suất sau lần giảm thứ ba trong năm nay vào tháng này.
Ngày 31/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất để giữ cho lạm phát không giảm xuống dưới mức mục tiêu, và nói rằng kinh tế châu Âu cần điều đó.

Phát biểu tại một sự kiện nhân Ngày Tiết kiệm thế giới, ông Panetta cho biết, trong khi việc ECB thắt chặt chính sách tiền tệ sau cú sốc giá năng lượng do chiến dịch đặc biệt tại Ukraine của Nga gây ra đã thành công trong việc giảm lạm phát, các điều kiện tiền tệ vẫn còn khan hiếm và cần phải cắt giảm thêm.

Ông Panetta nói: “Khi lạm phát giảm, chúng ta nên tập trung vào sự trì trệ của nền kinh tế thực: nếu không có sự phục hồi bền vững, lạm phát có nguy cơ bị đẩy xuống dưới mục tiêu, mở ra một kịch bản mà chính sách tiền tệ khó có thể chống lại và do đó cần phải tránh".

ECB đang cân nhắc tốc độ hạ lãi suất sau lần giảm thứ ba trong năm nay vào tháng này. Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết tốc độ nới lỏng vẫn chưa được quyết định, mặc dù định hướng chính sách tiền tệ đã rõ ràng.

Các nhà đầu tư chắc chắn hơn về cách thức chu kỳ này sẽ diễn ra. Họ đang định giá một loạt động thái cho đến khi lãi suất tiền gửi đạt 2% vào giữa năm tới. Một số nhà hoạch định chính sách ủng hộ kết quả như vậy, mặc dù những người khác đang thúc giục sự thận trọng.

Tuy nhiên, lạm phát có vẻ như phần lớn được kiểm soát. Mặc dù dự kiến sẽ tăng nhẹ sau đợt giảm xuống 1,7% vào tháng 9 vừa qua, các quan chức cho rằng mục tiêu 2% nằm trong tầm tay vào đầu năm sau — thay vì vào cuối năm 2025 như dự báo trước đây.

Nhân dịp này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy cũng cho biết rằng "Italy có trách nhiệm quan trọng trong việc tạo uy tín cho dự án châu Âu bằng cách thực hiện các khoản đầu tư và cải cách được hình dung" trong Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (NRRP), được tài trợ bởi khoảng 190 tỷ euro (206 tỷ USD) tiền tài trợ và các khoản vay lãi suất thấp từ Kế hoạch Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU).

Ông cho biết Italy cần phải giảm "tỷ lệ nợ công trên sản lượng" và "giải quyết dứt khoát các vấn đề chưa được giải quyết" của nền kinh tế dẫn đến tình trạng trì trệ trong giai đoạn 2000-2019. Những điều này bao gồm "năng lực đổi mới ít", mức đầu tư thấp, hệ thống sản xuất phân mảnh hướng tới các ngành truyền thống và tỷ lệ tham gia thị trường lao động thấp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cho biết chính phủ đã tính đến khả năng tăng trưởng GDP của nước này sẽ không mạnh như mong đợi khi soạn thảo các chính sách ngân sách, liên quan đến sự suy thoái gần đây.

Phát biểu tại một sự kiện tại thành phố Assisi, khi được hỏi về việc Cơ quan thống kê quốc gia (Istat) cho biết GDP của Italy không thay đổi trong quý III so với quý trước, Bộ trưởng Giorgetti nói: "Chúng tôi cũng đã tính đến kịch bản kém thuận lợi hơn và do đó, dự báo tài chính công sẽ không thay đổi. Vấn đề tăng trưởng rất quan trọng, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có sự phục hồi trong quý cuối cùng. Nhưng điều đó không thay đổi chiến lược của chính phủ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục