Kết nối các tuyến giao thông trọng yếu để thúc đẩy liên kết vùng

11:17' - 01/12/2024
BNEWS Tỉnh Hậu Giang tập trung thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, gia tăng kết nối với các tỉnh, thành phố, mở ra không gian phát triển mới.
Thời điểm mới thành lập tỉnh, Hậu Giang chỉ có 2 tuyến quốc lộ đi qua là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61, mặt đường hẹp, khả năng lưu thông hạn chế. Đến nay, tỉnh có 6 tuyến Quốc lộ gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Nam Sông Hậu và Quản Lộ Phụng Hiệp; tổng chiều dài các tuyến quốc lộ qua địa bàn trên 158km, tạo thành mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối hoàn chỉnh, kết nối tốt với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Về huyện Long Mỹ ngày nay, nhiều tuyến đường huyết mạnh như Đường tỉnh 931, Đường tỉnh 930 được đầu tư hoàn thiện rút ngắn khoản cách đi lại cho người dân, kết nối giao thông liền mạch. Mạng lưới đường thông nông thôn được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là ở những địa bàn khó khăn nằm xa trung tâm tỉnh lỵ.

 
Ông Nguyễn Văn Khang, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ chia sẻ, nhớ thời điểm mới chia tách tỉnh 20 năm trước, đường sá đi lại khó khăn, việc di chuyển của người dân chủ yếu bằng đường thủy, phương tiện phổ biến là ghe, xuồng. Rồi kinh tế phát triển, đường sá mở rộng, ô tô về tận thôn quê, xóm ấp.

Nếu trước đây, để vào trung tâm huyện chỉ có con đường độc đạo Đường tỉnh 930 thì ngày nay đã có thêm tuyến Đường tỉnh 931 kết nối từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện chỉ còn 15 phút thay vì mất hàng giờ đồng hộ di chuyển như trước.

Cuối năm 2023, cùng với việc đưa vào sử dụng 3 tuyến đường ô tô về trung tâm xã Phú Hữu và Phú Tân (huyện Châu Thành), xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ), tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô về trung tâm. Qua đây, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao thương, vận chuyển hàng hóa, đưa khoa học kỹ thuật về nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Mạng lưới tỉnh lộ trên địa bàn được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh, Hậu Giang có 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 260 km. Một số dự án đang được triển khai tăng tốc như: đường tỉnh 929, Đường tỉnh 931 (giai đoạn 2), Đường tỉnh 926B (kết nối tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng) giúp mở ra không gian liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, từ đó khơi thông tiềm năng phát triển về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: Ngay sau khi thành lập tỉnh, ngành giao thông vận tải đã tập trung tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo yêu cầu, định hướng phát triển của tỉnh theo từng giai đoạn. Đến nay, mạng lưới giao thông nông thôn được kiện toàn. Hệ thống đường tỉnh được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch.

Thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối đa phương thức, thúc đẩy liên kết vùng; trong đó, tập trung hoàn thiện 3 tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn là Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Nâng cấp 06 tuyến quốc lộ hiện hữu; cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh đang khai thác, xây dựng mới thêm 6 tuyến. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết nối với các tuyến cao tốc để phát huy hành lang kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và khu vực; kết nối với các tuyến đường trọng yếu để thúc đẩy liên kết vùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai xây dựng. Hai tuyến này đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 100km. Sau khi hoàn thiện sẽ hình thành hai trục giao thông động lực kinh tế Bắc -Nam, Đông -Tây, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới; đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Giáp, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: Người dân rất mừng khi tỉnh Hậu Giang có các tuyến cao tốc đang hình thành. Ông kỳ vọng tỉnh sẽ có nhiều giải pháp khai thác hết tiềm năng của những tuyến đường cao tốc này trong tương lai, nhất là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Từ đó, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào địa bàn xây dựng nhà máy, công ty, doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động tại chổ, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội làm việc tại tỉnh nhà.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, để khai thác lợi thế của 2 tuyến cao tốc này, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang sẽ có bảy khu công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp là 2.200ha (kể cả 2 khu công nghiệp với diện tích 490ha đã được đầu tư).

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang bày tỏ, trên cơ sở quy hoạch này, tỉnh sẽ tăng nguồn lực đầu tư phát triển, phát huy tối đa hiệu quả vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Cùng đó, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Điều này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại. Đến năm 2050, Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục