Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn Lào Cai

15:55' - 13/12/2019
BNEWS Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 700 ha diên tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 287 ha cây ăn quả, 75 ha hoa, 36 ha rau và 28 ha cây dược liệu.
Nông sản an toàn Lào Cai được bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn là nội dung chính của hội nghị được tổ chức mới đây do Liên minh hợp tác xã tỉnh Lào Cai phối hợp cùng đại diện Liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp ở  các tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La và Hà Nội.

Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Lào Cai đã giới thiệu những tiềm năng lợi thế và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như lúa chất lượng cao, rau hoa an toàn, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cùng chăn nuôi gia cầm…

Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 700 ha diên tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 287 ha cây ăn quả, 75 ha hoa, 36 ha rau và 28 ha cây dược liệu. Riêng lúa có hơn 3.000 ha ứng dụng từng phần hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, 500 ha ứng dụng toàn phần.

Với việc ứng dụng hệ quy trình canh tác mới đã góp phần tiết kiệm 30-50% giống, nước tưới, phân bón và giảm đến 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, tăng năng suất từ 10-15% so với trước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm đặc hữu được sản xuất tại các hợp tác xã như: Hợp tác xã nông nghiệp hoa đào, Hợp tác xã nông nghiệp mai Anh sản xuất các loại rau sạch, Hợp tác xã chế biến thủy sản nước lạnh Sa Pa, Hợp tác xã cộng đồng Dao Đỏ Sa Pa trồng dược liệu và kinh doanh các loại thuốc quý, sản phẩm gạo Séng cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi…

Nhiều tham luận nhấn mạnh tới việc các Liên minh hợp tác xã ở các địa phương cần tích cực thực hiện là vai trò là cầu nối giữa các hợp tác xã với các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường như: tham gia triển lãm trong nước, nước ngoài; xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng website quảng bá, giới thiệu sản phẩm; cung cấp thông tin thị trường, khoa học công nghệ.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạo, đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Hải Phòng, Liên minh hợp tác xã tại địa phương cần chủ động phối hợp với các ngành, địa phương trên địa bàn tổ chức xây dựng các đề án sản xuất kinh doanh để hợp tác xã giới thiệu sản phẩm và ký kế các hợp đồng kinh tế; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích thành viên, hợp tác xã và cộng đồng.

Đặc biệt, các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và hợp tác tác xã phải sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác nên cần tăng phối hợp liên minh hợp tác xã giữa các tỉnh, thành phố để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó tạo điều kiện cho các hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.

Ngoài ra, đại diện đến từ các tỉnh, thành phố cũng có một số ý kiến như: cần thường xuyên tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, thành viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể về bản chất, vai trò, vị trí, tính ưu việt của hợp tác xã; khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh tới việc phải xây dựng được tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã và các doanh nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả và lợi ích cho các thành viên và hợp tác xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục