Khắc phục lỗ hổng, hạn chế bỏ cọc trong đấu giá tài sản thế nào?

20:34' - 19/10/2023
BNEWS Tại họp báo diễn ra chiều 19/10, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ, ngành.

Về việc có một số khách sau khi trúng đấu giá biển số xe ô tô với số tiền lớn đã bỏ cọc, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa nhấn mạnh, bản chất của hoạt động đấu giá là tối đa hóa giá trị của tài sản. Vì vậy, nếu giá trị tài sản được trả giá càng cao, cuộc đấu giá càng được coi là thành công.

Theo bà Đặng Kim Hoa, Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô quy định tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng.

 

Để hạn chế tình trạng bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...

Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá còn bị xử phạt hành chính, biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại. Như vậy, pháp luật đã quy định chế tài tương đối nghiêm khắc, đầy đủ.

Để khắc phục lỗ hổng đấu giá trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới; trong đó tập trung vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức liên quan...

Liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Bất động sản Nhật Nam, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã đình chỉ giao dịch tài sản của ca sĩ Khánh Phương cùng nhiều cá nhân khác. Báo chí đặt câu hỏi tới Bộ Tư pháp, ngoài Lâm Đồng, còn Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố nào cũng đình chỉ giao dịch tài sản của các cá nhân liên quan vụ án?

Trả lời nội dung này, bà Đặng Kim Hoa cho biết, Bộ Tư pháp đã nhận được văn bản trao đổi của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh về đề nghị ngăn chặn giao dịch của Công ty Bất động sản Nhật Nam. Cục đã có công văn yêu cầu Sở Tư pháp các địa phương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn rà soát cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương.

Liên quan đến vụ Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng bị Công an khởi tố về tội Nhận hối lộ, bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định tình hình của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia; đồng thời phân công một Phó Giám đốc Trung tâm tạm thời điều hành hoạt động.

Đảng ủy Bộ Tư pháp đã có quyết định đình chỉ chức vụ Bí thư Chi bộ, đình chỉ sinh hoạt Đảng. Về mặt chính quyền, Bộ Tư pháp đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và tạm đình chỉ công tác đối với ông Hoàng Quốc Hùng theo quy định của pháp luật.

Theo bà Phan Thị Hồng Hà, trước khi ông Hoàng Quốc Hùng bị bắt, Bộ Tư pháp đã nắm được các thông tin liên quan công tác lý lịch tư pháp. Do đó, Bộ đã chủ động thanh tra toàn diện hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ trong năm 2023. Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm với Chi ủy và ông Hoàng Quốc Hùng theo quy định của Đảng.

Qua sự việc này, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp có tính tự chủ; có giải pháp để thời gian tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động, phòng ngừa vi phạm, sai sót trong thực hiện nhiệm vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục