Khách đi lại dịp Tết Nguyên đán 2022 giảm sâu, dịch vụ tàu xe "méo mặt"

15:07' - 14/01/2022
BNEWS Dù đang là cao điểm bán vé tàu, máy bay, ô tô đi lại dịp Tết Nguyên đán, nhưng các đơn vị dịch vụ tàu xe đang "méo mặt" vì đến thời điểm này rất ít khách mua.

Ghi nhận của phóng viên tại Bến xe Miền Đông, Miền Tây, ga Sài Gòn... lượng khách đến mua vé tàu, máy bay và xe ôto về quê dịp Tết Nguyên đán 2022 không đông như các năm trước.

Chị Nguyễn Thị Lê, ngụ ở phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, Tết năm nào chị cũng mua vé tàu cho cả gia đình về quê Thanh Hóa, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cả nhà quyết định ở lại TP đón Tết. 

 

"Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên hơn 4 tháng tôi phải ở nhà trông các con. Thời gian đó, gia đình tôi chỉ còn mỗi chồng tôi đi làm, thu nhập cũng giảm sút và cũng không có tiền tích lũy. Vì vậy, gia đình tôi quyết định đón Tết ở TP Hồ Chí Minh để tiết kiệm chi tiêu. Đây là lần đầu tiên nhà tôi đón Tết Nguyên đán ở TP", chị Nguyễn Thị Lê chia sẻ. 

Trong khi đó, ghi nhận tại ga Sài Gòn, lượng hành khách đến mua vé tàu Tết 2022 không đông, số lượng hành khách đến ga mua vé khá lèo tèo; các quầy bán vé không còn cảnh hành khách xếp hàng hay ngồi chờ vài tiếng đồng hồ mới đến lượt mua vé như những năm trước. 

Anh Nguyễn Văn Huynh, ngụ ở phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức) cho biết, anh vừa mua được 4 vé tàu tuyến TP Hồ Chí Minh - Huế vào ngày 29/1 (nhằm ngày 27 tháng Chạp âm lịch), khứ hồi ngày 6/2 (mùng 6 Tết). 

"Hơn 3 năm qua, gia đình tôi không về quê thăm gia đình nên Tết này quyết định chọn tàu hỏa để về quê nhằm tiết kiệm chi phí, thay vì mua vé máy bay như mọi năm. Năm nay, do dịch bệnh nên người đi lại ít, vé dễ mua hơn. Bên cạnh đó, người nhà ở Huế có tìm hiểu thông tin người từ TP Hồ Chí Minh về không phải thực hiện cách ly cho nên tôi quyết định về quê đón Tết", anh Huynh cho biết thêm. 

Đang ngồi chờ tại khu vực hoàn vé tàu Tết, chị Phạm Thị Quyên (ngụ Quận 3, quê Ninh Bình) cho biết, chị vừa được ga Sài Gòn hoàn trả lại số tiền vé khứ hồi hơn 4 triệu đồng cho tuyến TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa.

“Tôi mua vé tàu để về quê trong dịp Tết này nhưng ngoài quê Ninh Bình bảo tỉnh có quy định ai về từ TP Hồ Chí Minh sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày nên tôi quyết định hủy vé tàu về quê”, chị Phạm Thị Quyên cho biết.

Năm nay, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã và đang mở bán các đôi tàu khách Thống Nhất (tuyến Hà Nội - Sài Gòn: tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn: tàu SE21/SE22).

Từ ngày 4/1, ngành đường sắt tiếp tục mở bán vé các đoàn tàu từ TP Hồ Chí Minh đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, so với năm ngoái, số lượng tàu chạy dịp Tết giảm 10 đôi tàu. Tính đến ngày 5/1, số lượng vé tàu Tết bán được gần 18.000 vé, bằng 8% so với Tết năm ngoái. Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cùng với việc mỗi địa phương lại có quy định phòng dịch khác nhau nên hành khách có tâm lý e dè và cân nhắc kế hoạch đi lại, về quê vui Tết.

Tương tự, đối với vận tải đường bộ, bến xe Miền Đông cũng lên kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 kéo dài trong 20 ngày (10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết). Cao điểm bán vé xe Tết bắt đầu từ ngày 12/1 (mùng 10 tháng Chạp âm lịch), chủ yếu nhu cầu đi lại cao vẫn là các chuyến xe đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Bến xe Miền Đông bán trước cho khách bằng vé do bến phát hành qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại quầy. Vé trực tuyến sẽ được đưa lên website http://www.benxemiendong.com.vn để hành khách đặt vé. Ngoài ra, bến xe cũng quy định, các doanh nghiệp vận tải tự bán vé theo kế hoạch của đơn vị.

Ghi nhận từ giữa tháng 12/2021, nhiều hãng xe chất lượng cao từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh đã bắt đầu mở bán vé Tết Nhâm Dần 2022 hoặc nhận đăng ký giữ chỗ như Thành Bưởi, Chín Nghĩa... nhưng lượng khách đăng ký rất ít.

Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Đông, dự kiến 10 ngày trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trung bình có khoảng 16.000 lượt khách qua bến mỗi ngày, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

“Nhu cầu đi lại của người dân năm nay giảm do một lượng lớn đã về quê sau giãn cách. Chưa kể, các tỉnh, thành phố quy định phòng, chống dịch COVID-19 khác nhau về yêu cầu cách ly, khai báo y tế nên đã ảnh hưởng và tác động đến tâm lý đi lại của hành khách. Hiện tại, tất cả các tuyến xe khách liên tỉnh đều đã khôi phục hoạt động đi và đến bến xe Miền Đông, trừ tuyến đi đến Đà Nẵng và Bình Phước, nhưng do tâm lý e ngại dịch bệnh nên lượng khách đi lại chưa nhiều, trung bình mỗi xe chỉ có từ sáu đến bảy hành khách", ông Tạ Chương Chính nói.

Trong khi đó, theo đại diện bến xe Miền Tây, lượng hành khách đi lại dịp Tết qua bến sẽ giảm từ 30% đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lượng khách chủ yếu tập trung đông từ ngày 26, 27, 28 và 29 tháng Chạp vì quãng đường đi lại giữa TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh có cự ly gần.

Bến xe Miền Tây sẽ mở bán vé trước cho khách từ ngày 12/1 (tức ngày mùng 10 tháng Chạp âm lịch). Bến xe này dự kiến giá vé dịp Tết sẽ tăng tối đa 40% trong sáu ngày cao điểm, từ ngày 28/1 đến 2/2 (tức từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày Mùng 2 Tết). Đến thời điểm này, mới có 13 tỉnh miền Tây mở lại xe khách liên tỉnh với bến xe Miền Tây.

Tương tự, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, những ngày qua, lượng khách đi, đến sân bay có tăng nhẹ nhưng không đáng kể và chưa bằng số lượng khách của năm ngoái. Theo đó, mỗi ngày, Cảng có khoảng 25.000 - 30.000 lượt khách đi, đến với hơn 300 chuyến bay/ngày và dao động tăng giảm khoảng 3.000 lượt khách/ngày.

Theo một hãng bay cho biết, dù tăng tần suất khai thác nhưng tỉ lệ lấp đầy trên chuyến bay mới đạt 70 - 80% và một số chặng bay vẫn còn vắng khách./.

>>>Đường sắt mở bán 3 chặng vé tàu Tết Nguyên đán từ ga Sài Gòn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục