Khẩn trương kiểm tra, lên phương án phòng chống đàn châu chấu tre lưng vàng

17:00' - 30/05/2024
BNEWS Theo thống kê ban đầu, diện tích tre vầu và cây trồng bị ảnh hưởng do đàn châu chấu tre lưng vàng “tấn công” ở Lạng Sơn khoảng 10ha, ở Cao Bằng đã lên đến 450ha.
Trước thông tin đàn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện, làm hại hoa màu của người dân, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Cao Bằng là địa phương đang chịu nhiều thiệt hại bởi đàn châu chấu tre lưng vàng, còn tại tỉnh Lạng Sơn những ngày qua đàn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện có quy mô nhỏ,

Ngay chiều nay (30/5), một đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ đi Cao Bằng phối hợp với tỉnh lên phương án phòng chống đàn châu chấu tre lưng vàng.

Theo thống kê ban đầu, diện tích tre vầu và cây trồng bị ảnh hưởng do đàn châu chấu tre lưng vàng “tấn công” ở Lạng Sơn khoảng 10 ha, ở Cao Bằng đã lên đến 450 ha (gây hại chủ yếu là cây vầu).

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, Cục Bảo vệ thực vật vẫn đang chủ động phối hợp với các địa phương giám sát thật chặt chẽ các các đàn châu chấu tre lưng vàng để có các biện pháp phòng chống phù hợp.

“UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã có báo cáo và khả năng tỉnh này sẽ công bố dịch. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ đánh giá quy mô đàn châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không", ông Nguyễn Quý Dương thông tin.

 
Về biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, ông Nguyễn Quý Dương cho biết, chỉ có cách phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ. Thời điểm này, châu chấu mới ở tuổi 2 và tuổi 3 nên hiệu quả phun phòng trừ rất cao do bộ cánh chưa phát triển hoàn thiện. Nếu sang tháng 7, bộ cánh hoàn thiện, tốc độ di chuyển của châu chấu nhanh hơn thì thiệt hại càng lớn. Thời điểm này, nếu phun thuốc bảo vệ thực vật không những giảm tác dụng mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Để giảm thiểu những tác động lên môi trường, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ loài dịch hại này.

Châu chấu tre lưng vàng là loài sinh vật gây hại vẫn xuất hiện hàng năm ở trong nước và là nhóm gây hại chủ yếu trên tre, nứa, vầu. 

Theo TTXVN đã thông tin, khoảng 3 ngày gần đây, trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện đàn châu chấu tre lưng vàng với mật độ cao. Chính quyền, cơ quan chức năng huyện Bình Gia đang kiểm tra, chỉ đạo lực lượng chuyên môn có giải pháp ngăn chặn loài côn trùng này gây hại cho diện tích cây trồng của người dân.

Người dân địa phương cho hay, khoảng từ năm 2016, thi thoảng vẫn thấy loài côn trùng này xuất hiện trên rừng vầu. Tuy nhiên, năm nay mới ghi nhận châu chấu di chuyển xuống các khu vực khác ngoài cánh rừng.

Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng huyện Bình Gia, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện, phá hại rừng tre, vầu, nứa, mai với mật độ 600 - 1.000 con/bụi, ăn trụi lá, diện tích phá hại 10 ha. Hiện tại, châu chấu đang bắt đầu di chuyển từ trên đồi cao xuống các khe suối, bờ bụi và bắt đầu gây hại cây ngô mật độ 50 - 60 con/m2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục