Khảo sát tuyến giao thông thủy trên hồ thủy điện Sơn La

06:12' - 30/11/2015
BNEWS Hồ thủy điện Sơn La là “gạch nối” giao thông thủy liên hoàn giữa hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Lai Châu (trên thượng nguồn sông Đà).
Hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty thủy điện Sơn La - Lai Châu vừa tiến hành khảo sát tuyến giao thông thủy trên hồ thủy điện Sơn La nhằm đưa tuyến này vào quản lý, khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc.

Đây là tuyến giao thông thủy quan trọng, mới hình thành kể từ khi hồ thủy điện Sơn La tích nước đến cao trình cos ngập 215m (cos cao nhất) vào tháng 8/2010, phục vụ phát điện 6 tổ máy với công suốt 2.400 MW của Nhà máy thủy điện Sơn La.

Hồ thủy điện Sơn La có chiều dài trên 175 km tính từ đập thủy điện Sơn La đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên và xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Thủy điện Sơn La là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà, do vậy hồ thủy điện Sơn La là “gạch nối” giao thông thủy liên hoàn giữa hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Lai Châu (trên thượng nguồn sông Đà).

Theo tính toán khảo sát của ngành giao thông vận tải, hiện có hàng trăm bản đồng bào dân tộc thiểu số di vén, định cư mới dọc 2 bên hồ thủy điện thuộc 31 xã của 8 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Do vậy tuyến đường thủy trên hồ thủy điện Sơn La có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối vận tải thủy trên hồ với hệ thống đường bộ trong khu vực như các Quốc lộ 6, 37, 279 và 12.

Đồng thời khắc phục sự cô lập của các địa phương ven hồ phục vụ vận chuyển nông sản của nhân dân, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven sông nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.

Sau 5 năm hình thành, hồ thủy điện Sơn La đã được người dân khai thác, đánh bắt thủy sản và đóng nhiều phương tiện đi lại trên hồ.

Tuy nhiên, hồ này đang thuộc quyền quản lý của Công ty thủy điện Sơn La (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nên hầu hết các phương tiện hoạt động trên hồ đều tự phát, chưa có quy hoạch, quản lý rõ ràng.

Từ thực trạng trên, tỉnh Sơn La đang có phương án quy hoạch cảng, bến thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh nâng cấp, xây dựng mới 129 bến khách đò ngang, 4 bến cảng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ dân sinh vùng ven hồ.

Trong thời gian tới, Sơn La và các tỉnh có địa bàn ven hồ thủy điện Sơn La tăng cường quản lý bến bãi, phương tiện thủy, đặc biệt là tàu thuyền chở khách.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án khai thác vận tải tuyến này và đang được cắm phao tiêu, biển báo để công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia./.

Điêu Chính Tới/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục