Khi OCOP thổi hồn vào đặc sản Vĩnh Long

10:43' - 13/07/2025
BNEWS Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang từng bước góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn tại Vĩnh Long.

Nhiều sản phẩm “quê” đã được nâng tầm đạt chuẩn OCOP, được chăm chút về chất lượng, mẫu mã và bao bì, có truy xuất nguồn gốc, câu chuyện vùng miền trở thành “đại sứ quê hương”, vừa hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập vừa lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa.

 

Từ một nông dân chân đất, sau nhiều năm vật lộn với lối canh tác truyền thống, ông Phạm Văn Nhựt, sinh năm 1963 ở xã Lương Hòa, tỉnh Vĩnh Long đã học cách làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ, giúp tăng giá trị gấp nhiều lần so với nông dân bán lúa tươi tại ruộng.

Ông Phạm Văn Nhựt chia sẻ, mấy chục năm trồng lúa vẫn không khá vì bán lúa tươi tại ruộng giá thấp so với chi phí sản xuất. Vì vậy, ông  học làm lúa sạch, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, tự ủ phân hữu cơ và sử dụng các chế phẩm sinh học do tự mình làm ra để bón cho lúa và phòng trừ sâu hại. Thay vì bán lúa tươi, ông đầu tư nhà máy xay xát, đóng gói và đăng ký nhãn hiệu “Ba Nhựt” rồi bán ra thị trường. Hiện nay, ông đang sở hữu hai sản phẩm gạo tím và gạo nếp cẩm mang nhãn hiệu Ba Nhựt đã được chứng nhận xếp hạng đạt chuẩn “3 sao” trong chương trình OCOP vào tháng 7/2023. Những sản phẩm này  đang được trực tiếp phân phối cho người tiêu dùng qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội... được  thương lái trong và ngoài tỉnh ký kết tiêu thụ.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc tại xã Hưng Nhượng, tỉnh Vĩnh Long đã tồn tại hơn 100 năm qua và nức tiếng gần xa. Ngày 30/10/2018, Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện, nơi đây có 51 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nâng cao giá trị sản phẩm, vươn xa thị trường tiêu thụ và thâm nhập vào kênh tiêu thụ ở siêu thị, chợ, cửa hàng, trên sàn thương mại điện tử…

Nhiều năm gắn bó với nghề gia truyền, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiết sở hữu 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: bánh tráng, bánh phồng nếp, bánh phồng mì sữa cốt dừa, bánh phồng mì dán chuối “Mười Thiết”. Ông Thiết cho biết, khi các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ tháng 12/2022, “tệp khách hàng” từ kênh phân phối truyền thống hay qua các nền tảng thương mại điện tử đều rất quan tâm vì sản phẩm đảm bảo chất lượng, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vậy, cơ sở của ông đã có sự tăng trưởng nhanh, ổn định, tạo thu nhập  ổn định cho 8 – 16 lao động tại địa phương.

Theo ông Thiết, chương trình OCOP không những khẳng định được chất lượng, giá trị sản phẩm truyền thống của quê hương xứ dừa, giúp bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu mà còn tạo niềm vui, động lực, khuyến khích các cơ sở  sở sản xuất trong Làng nghề tiếp tục cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó, đưa danh tiếng của làng nghề tiếp tục vang xa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa quê hương xã Hưng Nhượng của Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc ngày phát triển.

Còn tại xã Đại Điền, hơn nửa thế kỷ qua, gia đình ông Huỳnh Văn Tư vẫn giữ vững nghề làm bánh dừa truyền thống, bọc nếp, dừa, chuối và đậu vào lá dừa nước, công thức có từ hơn 100 năm trước ở Giồng Luông.

Theo lời ông Tư, thời cực thịnh của bánh dừa Giồng Luông là vào những năm 1980, trở thành đặc sản quen thuộc. Tuy nhiên, trước sức ép của thực phẩm được làm từ máy móc, thiết bị, bao bì hiện đại, nên chỉ còn vài hộ theo nghề; trong đó, có gia đình ông Tư vẫn kiên trì giữ lấy nghề truyền thống. Tháng 7/2023, gia đình ông được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Giồng Luông” dùng cho sản phẩm bánh dừa Giồng Luông. Đây là bước ngoặt minh chứng cho chất lượng và giá trị bản địa sâu sắc của phương thức làm bánh truyền thống mà gia đình ông gìn giữ hơn 50 năm qua.

Nhiều năm qua, ông Tư đã truyền nghề cho con cháu, đảm bảo bí quyết vẫn được lưu giữ, song song với việc nâng cấp bao bì, tạo diện mạo chuyên nghiệp hơn, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Hiện tại, mỗi ngày gia đình ông Huỳnh Văn Tư làm ra khoảng 1.000 chiếc bánh bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh (số lượng tăng cao trong các dịp lễ, Tết). Bình quân mỗi tháng, gia đình ông Tư tiêu thụ khoảng 500 kg nếp, gần 200 kg đậu, 400 kg chuối và 500 quả dừa, góp phần tiêu thụ nông sản của bà con ở địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Vĩnh Long Võ Tiến Sĩ, Chương trình OCOP không chỉ là “chiếc áo mới” cho sản phẩm nông thôn, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên bằng nội lực, bằng trí tuệ và bản sắc địa phương. Với sự kiên định trong định hướng và linh hoạt trong cách làm, địa phương đang từng bước xây dựng thương hiệu OCOP gắn với đặc trưng địa phương, khẳng định vị thế trên thị trường và góp phần vào hành trình phát triển nông thôn mới toàn diện, bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, các địa phương (trước sáp nhập) cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP như: hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ- triển lãm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại điện tử… Theo đó, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Lazada... giúp mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng doanh thu cho các chủ thể,  giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại như Tuần lễ sản phẩm OCOP- công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hội nghị kết nối giao thương với các tỉnh, thành và doanh nghiệp… cũng được chú trọng. Qua đó, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường rộng hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tính đến cuối tháng 6/2025, 124 xã, phường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 1.000 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó, chỉ riêng 48 xã, phường tại khu vực Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa đã có 384 sản phẩm  OCOP gồm: 341 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 38 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm 5 sao, với 205 chủ thể tham gia gồm 40 công ty/doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 127 cơ sở sản xuất hộ kinh doanh).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục