Khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán

16:20' - 07/03/2023
BNEWS Thanh khoản thị trường chứng khoán hôm nay được cải thiện rõ rệt, cùng với việc khối ngoại trở lại mua ròng sau 3 tuần bán ròng liên tiếp đã giúp VN-Index bật tăng mạnh.

 

Chốt phiên 7/3, VN-Index tăng 10,66 điểm lên 1.037,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 473,1 triệu đơn vị, tương ứng gần 8251 tỷ đồng. Toàn sàn có 210 mã tăng giá, 160 mã giảm giá và 84 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 207,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 45 triệu đơn vị, tương ứng hơn 695 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 62 mã giảm giá và 73 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,17 điểm lên 76,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 17,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 222,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 132 mã tăng giá, 122 mã giảm giá và 73 mã đứng giá.

Điểm tích cực là khối ngoại đã trở lại mua ròng sau gần 3 tuần bán ròng liên tiếp. Cụ thể, khối này mua ròng 158,68 tỷ đồng trên HOSE; 48,92 tỷ đồng trên HNX và chỉ bán ròng 1,79 tỷ đồng trên UPCOM. Việc khối ngoại trở lại mua ròng trở nên rất có ý nghĩa với đà tăng của chỉ số, trong bối cảnh dòng tiền nhà đầu tư trong nước vào thị trường bị co hẹp so với giai đoạn trước.

Đà tăng của chỉ số VN-Index là nhờ vào cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể trong rổ cổ phiếu VN30 có 27 mã tăng giá, trong khi chỉ có 2 mã giảm giá và 1 mã đứng giá. Cùng đó, nhóm cổ phiếu thép cũng có phiên giao tăng rất mạnh, với KVC tăng trần, NKG tăng 6,5%, HSG tăng 4,9%, VGS tăng 3,9%, HPG tăng 3,4%, SMC tăng 2,5%, TLH tăng 2,1%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 mã giảm giá, trong khi EIB tăng 6,8% lên giá trần, SGB tăng 4,7%, NVB tăng 4,2%, PGB tăng 3,8%, HDB tăng 2,8%, BID tăng 2,4%... Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn PTV giảm giá, các mã BSR, OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS, TOS đều ở chiều tăng giá. Cùng đó, nhóm chứng khoán diễn biến rất tích cục với sắc xanh chiếm ưu thế.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 3 với chủ đề “Giai đoạn chọn lọc”, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, trong ngắn và trung hạn, thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi ngoài điểm sáng đến từ FDI và đầu tư công thì thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều đến từ hoạt động sản xuất, tiêu dùng và lạm phát.

Bên cạnh đó, SSI cho rằng thị trường vẫn còn chịu áp lực biến động trong ngắn hạn do những diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và biến số đến từ động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, đợt giảm vừa qua của thị trường có thể đã phản ánh sớm phần nào các rủi ro này.

Các yếu tố có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường trong ngắn hạn cần theo dõi bao gồm: Rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể được hạn chế nhờ các biện pháp điều hành của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa được ban hành và Fed duy trì bước tăng lãi suất 25 điểm trong cuộc họp chính sách ngày 21-22 tháng 3 tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng này sẽ có xu hướng chính là đi ngang, tuy nhiên sẽ có những dao động trong biên độ 1.000 - 1.080 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục