Khó thu hồi vốn tín dụng những khách hàng rời khỏi nơi cư trú

17:02' - 11/10/2024
BNEWS Qua rà soát, xử lý nợ của khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ có trên 1.000 khách hàng đi khỏi nơi cư trú.
Qua rà soát, xử lý nợ của khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội có trên 1.000 khách hàng đi khỏi nơi cư trú; trong đó, 241 khách hàng có thông tin địa chỉ cụ thể với số tiền 7,5 tỷ đồng (đã thu hồi được 135 khách hàng với số tiền gần 3 tỷ đồng) và 827 khách hàng không có thông tin địa chỉ cụ thể với số tiền 25,3 tỷ đồng vẫn chưa xử lý được.

Đó là thông tin được ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ cung cấp tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2024 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Cần Thơ vào chiều 11/10.

 
Cũng theo một số thành viên Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội ở các quận, huyện phản ánh việc rà soát, xử lý nợ của khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đi khỏi nơi cư trú gặp nhiều khó khăn và đạt kết quả chưa cao.

Là địa phương có 132 khách hàng bỏ khỏi nơi cư trú, với tổng dư nợ khoảng 4,5 tỷ đồng; trong đó, xác định được thông tin của 22 khách hàng (khoảng 700 triệu đồng), còn 110 khách hàng không có thông tin, theo ông Trần Minh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn việc phối hợp rà soát giữa các cơ quan ban ngành, giữa các đơn vị nhận ủy thác, giữa các phường với công an gặp rất nhiều khó khăn.

Để xử lý nợ của khách hàng bỏ khỏi nơi cư trú, ông Trần Minh Khiết cho rằng Ngân hàng Chính sách Xã hội cần đề nghị công an hỗ trợ sử dụng ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia để hỗ trợ các địa phương xác định thông tin khách hàng vay vốn rời khỏi nơi cư trú.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ tiếp tục huy động các nguồn vốn và thực hiện cho vay các chương trình tín dụng.

Để chuẩn bị nguồn vốn cho năm 2025 đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay bổ sung nguồn vốn năm 2024 (tập trung cho vay nhà ở xã hội); bố trí vốn năm 2025 đảm bảo hoàn thành đạt và vượt so với chỉ tiêu Trung ương giao (169 tỷ đồng).

Các đơn vị quận, huyện trình Hội đồng nhân dân quận, huyện bố trí nguồn vốn ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay trong năm 2025 (phấn đấu 3 tỷ đồng/đơn vị).

Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh thành phố Cần Thơ tranh thủ nguồn vốn trung ương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội; cho vay giải quyết việc làm; cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay người chấp hành xong án phạt tù;...

"Ngân hàng Chính sách Xã hội tập trung giải ngân nhanh các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu được giao; phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng được giao trước ngày 30/11/2024", Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.

Trong 9 tháng năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ đã giải ngân cho trên 20.600 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 784 tỷ đồng. Hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ có 95.276 khách hàng còn dư nợ, với tổng dư nợ đạt 4.348 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng so với năm 2023; hoàn thành 68,5% chỉ tiêu tăng trưởng được giao năm 2024. Vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và quận, huyện đạt hơn 623 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2023, hoàn thành 153,8% chỉ tiêu giao năm 2024.

Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ đã cho vay một số chương trình tín dụng chính sách mới như: cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024; cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024; cho vay giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi theo Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31/7/2024.

"Qua triển khai đầu tư cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Cần Thơ", ông Lăng Chánh Huệ Thảo đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách ở Cần Thơ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: tỷ lệ tăng trưởng dư nợ còn thấp (5,9%) so với bình quân toàn quốc (7,6%); nợ quá hạn tăng 2,6 tỷ đồng (tỷ lệ 0,21%), cao hơn so với bình quân toàn quốc (toàn quốc là 0,19%); nợ khoanh tăng 2,67 tỷ đồng (tỷ lệ 0,32%).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục