Khoảng 2.000 triệu tấn bụi xâm nhập vào bầu khí quyển mỗi năm

13:12' - 20/10/2023
BNEWS Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ đã công bố báo cáo hàng năm, trong đó xem xét tần suất và mức độ nguy hiểm của bão cát và bụi cũng như tác động của chúng đối với xã hội.

Nhấn mạnh lượng bụi trong không khí trên toàn thế giới tăng lên trong năm 2022, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu về cách thức biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các "điểm nóng" bão cát và bụi.

Ngày 19/10, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ đã công bố báo cáo hàng năm, trong đó xem xét tần suất và mức độ nguy hiểm của bão cát và bụi cũng như tác động của chúng đối với xã hội.

 

Theo báo cáo cập nhật này, trong năm ngoái, nồng độ bụi trung bình trên bề mặt toàn cầu hàng năm là 13,8 microgam/mét khối (mcg/m3), cao hơn một chút so với mức 13,5 mcg/m3 ghi nhận năm 2021.

Mức tăng nhẹ này là do lượng khí thải tăng từ phía Trung-Tây châu Phi, Bán đảo Arab, Cao nguyên Iran và miền Tây Bắc Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo, nồng độ bụi bề mặt trung bình hàng năm cao nhất được ghi nhận tại khu vực Bodele của CH Chad, dao động từ 900-1.200 mcg/m3. Ở Nam bán cầu, mật độ cao nhất đo được tại miền Trung Australia và khu vực ven biển phía Tây Nam Phi là khoảng 200-300 mcg/m3.

Báo cáo cho biết thêm mỗi năm, khoảng 2.000 triệu tấn bụi xâm nhập vào bầu khí quyển, làm bầu trời tối đen và gây hại cho chất lượng không khí ở những khu vực cách xa hàng nghìn km, đồng thời ảnh hưởng đến các nền kinh tế, hệ sinh thái, thời tiết và khí hậu.

Báo cáo cũng nêu chi tiết ba vụ việc lớn trong năm 2022, trong đó có đợt bão bụi bất thường xảy ra hồi tháng 3 khi một khối khí nóng từ sa mạc Sahara đã tràn vào nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, mang theo cả bụi bẩn và đất cát khiến bầu trời nhuộm màu cam.

Vào thời điểm đó, ở miền Tây Nam Tây Ban Nha, lượng bụi cao nhất mỗi giờ lên tới 3.500mcg, vượt xa ngưỡng quy định giới hạn lượng bụi trung bình hàng ngày mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra là 50mcg.

Trong báo cáo, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh rằng các hoạt động của con người đang tác động đến bão cát và bụi. Đơn cử như nhiệt độ cao hơn, hạn hán và lượng nước bốc hơi cao hơn dẫn đến độ ẩm của đất thấp hơn.

Những yếu tố này kết hợp với việc quản lý đất đai yếu kém đã tạo điều kiện cho bão cát và bụi xuất hiện nhiều hơn. Bão cát và bụi tác động đến sức khỏe, giao thông hàng không, vận tải mặt đất, đường bộ, đường sắt và ngành nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn cộng đồng và nền kinh tế.

Trước thực tế trên, WMO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về bão cát, bụi và biến đổi khí hậu, những vấn đề phần lớn vẫn "chưa được khám phá". Tổ chức này cũng bày tỏ mong muốn hệ thống cảnh báo sớm thảm họa thời tiết sẽ được triển khai trên toàn thế giới trong vòng 4 năm tới để bảo vệ người dân tránh khỏi những tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục