Khơi thông điểm "nghẽn" cho logistics thành phố Cảng

12:51' - 31/10/2018
BNEWS Với thành phố Hải Phòng dường như logistics (dịch vụ hậu cần) vẫn chỉ là tiềm năng đang bỏ ngỏ, chưa có những bứt phá khác biệt để khai thác hết lợi thế này...
Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, logistics đã và đang phát triển nhanh chóng và mang lại diện mạo hiện đại, văn minh cùng những lợi ích to lớn cho nhiều quốc gia phát triển. Với thành phố Hải Phòng dường như logistics (dịch vụ hậu cần) vẫn chỉ là tiềm năng đang bỏ ngỏ, chưa có những bứt phá khác biệt để khai thác hết lợi thế này... 

*Điểm "nghẽn" trong logistics thành phố Cảng 

Hải Phòng được biết đến là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước ra vịnh Bắc Bộ và thế giới, với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội lớn và hệ thống cảng với lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc (9 tháng của năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 78,9 triệu tấn, tăng 19,08% so với cùng kỳ năm trước). 

Hải Phòng còn là thành phố duy nhất của phía Bắc hội đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không). Hệ thống cảng biển và hàng không thuận lợi cùng các điều kiện địa lý tự nhiên là tiền đề cho thành phố phát triển các ngành kinh tế thế mạnh như: vận tải hàng hóa, kinh doanh cảng biển, kho bãi, xuất khẩu thủy sản, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, dịch vụ logistics. 

Đến thời điểm này, thành phố có 133 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics; trong đó, chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp có hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics. Hiện có 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng như: FedEx, UPS, DHL...chiếm tới 70-80% thị phần logistics. Số lao động logistics khoảng 175.000 người (chiếm 20% lao động logistics cả nước)... 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, với môi trường logistics ở Việt Nam và Hải Phòng vẫn còn hạn chế, bất cập như: chưa có các cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển logistics. Các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội thành phố, các quy hoạch giao thông vận tải, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, chưa được "kết dính" bằng logistics, bằng các hoạt động thông qua các trung tâm logistics. 

Cùng với đó là hệ thống, văn bản, chính sách vẫn còn thiếu, đặc biệt là cho phát triển cơ sở hạ tầng logistics cả hạ tầng phần cứng và hạ tầng phần mềm. Các tuyến quốc lộ được xây dựng còn hạn chế về kết nối do không tính tới việc xây dựng các trung tâm logistics. 

Các trung tâm logistics quy mô vùng và khu vực chưa được đầu tư xây dựng tại các điểm có thể kết nối 5 loại phương tiện vận tải mà thành phố có lợi thế, kết nối các hành lang kinh tế trong vùng, đến nay các trung tâm logistics (hạng 2) chưa được đầu tư xây dựng trên các tuyến cao tốc, hành lang kinh tế kết nối cảng biển Hải Phòng. 

Hiện tại, hệ thống đường sắt quốc gia nối với cảng Hải Phòng hiệu quả khai thác rất khiêm tốn (vận tải hành khách 1,08%, vận tải hàng hóa 0,79%), đã làm hạn chế sự phát triển các hoạt động logistics, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và ứ đọng hàng hóa, hạn chế sự phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa ở thành phố và các địa phương trong vùng. 

Thêm nữa, các doanh nghiệp logistics Hải Phòng lại là các doanh nghiệp logistics thực hiện các dịch vụ đơn lẻ có quy mô vừa và nhỏ, liên kết hợp tác hạn chế và tập trung ở thị trường nội địa với tiềm lực yếu. Đây là một sự yếu kém trong phát triển của hệ thống logistics thành phố. 

Với góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành, một nhà quản lý về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển, GS.TS Lương Công Nhớ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá, dịch vụ logistics ở Hải Phòng đã bắt đầu phát huy vai trò của nó, tuy nhiên chưa tạo thành chuỗi khép kín và hiệu quả dịch vụ thấp. Tiếp nữa, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển còn hạn chế. 

Hiện nay, chỉ có Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế cho lĩnh vực hàng hải, công trình biển, đóng tàu, logistics cho ngành và thành phố Hải Phòng, các lĩnh vực khác gần như bỏ trống, hoặc chất lượng thấp. Đây chính là khâu đột phá cho phát triển mà chưa được Chính phủ và Hải Phòng quan tâm đúng mức. 

*Giải pháp tạo đột phá cho logistics 

Hướng tới xây dựng Hải Phòng thành một trung tâm logistics của vùng và khu vực, ông Đặng Đình Đào cho rằng, Hải Phòng cần nâng cao nhận thức hơn nữa về logistics, đặc biệt là vai trò của các trung tâm logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế và xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại... Đừng để lặp lại câu chuyện chi phí vận chuyển một container hàng từ Hải Phòng đi Hà Nội hay ở chiều ngược lại đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển 1 container từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc về Việt Nam. 

Hải Phòng cần sớm cải thiện môi trường logistics trên cả các yếu tố như cơ chế, chính sách phát triển logistics thành phố biển, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và được kết nối để tập trung hóa các hoạt động logistics trên địa bàn; thu hút các tập đoàn logistics trong nước và quốc tế vào đầu tư, kinh doanh, phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có sức cạnh tranh cao. 

Ngoài các chính sách của trung ương về logistics, Hải Phòng cần có các chính sách cụ thể, đột phá có tầm nhìn dài hạn cho phát triển logistics. Hải Phòng phải có được, sở hữu được các trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc gia. Do vậy, thành phố cần sớm có chính sách ưu tiên đất đai cho xây dựng hạ tầng logistics và các trung tâm logistics để kết nối hiệu quả 5 loại hình phương tiện mà Hải Phòng đang có thế mạnh. 

Hải Phòng có 13 Khu công nghiệp với diện tích hơn 6.551 ha, 6 Cụm công nghiệp với 233,31 ha, nhưng rất tiếc đến nay Hải Phòng chưa có 1 Khu công nghiệp logistics nào đủ tầm của thành phố cảng loại 1A. 

Bên cạnh đó, cần phải có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin logistics tại Hải Phòng. Phấn đấu cảng biển quốc tế Hải Phòng sớm có tên trong danh mục "tìm kiếm" của hệ thống quản lý container toàn cầu. 

Thêm một tiền đề tạo đà cho Hải Phòng phát triển logistics cùng các dịch vụ khác lên tầm cao mới, đó là thành phố tập trung, quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các viện nghiên cứu chuyên ngành; thành lập Viện Hải dương học tại Hải Phòng nhằm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu không chỉ về thủy hải sản mà còn cả các vấn đề biển và đại dương, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển. 

Đầu tư nhanh chóng phát triển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đạt tầm cỡ hàng đầu châu lục, để trong thời gian ngắn, góp phần đưa Hải Phòng phát triển bứt phá về kinh tế hàng hải, công nghiệp đóng tàu và logistics./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục