Không để thiếu kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

18:54' - 27/08/2022
BNEWS Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn xảy ra phổ biến, vẫn còn có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đây là báo cáo của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tại các Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, được tổ chức trong tháng 8/2022.

 

Nhiều vấn đề vướng mắc được phối hợp giải quyết

Triển khai Quyết định số 2214/QĐ-BHXH về việc thành lập các Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ ngày 13 - 26/8, 4 Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đã làm việc trực tiếp với Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố tại 8 cụm địa phương.

Báo cáo tại các Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia, giải quyết nhanh chóng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Các đơn vị kịp thời triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Do đó, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Hà Nội, hết tháng 7/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,4% dân số với hơn 7,5 triệu người tham gia, tăng 0,5% so với cuối năm 2021. Số người tham bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt trên 1,9 triệu người (chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi), 64.301 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đều tăng hơn 2% so với cuối năm 2021.

Đến nay, trên 99,9% đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, số còn lại thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân Thủ đô, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, thành phố Hà Nội có cơ chế hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với các mức: 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác; nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này lên thành 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).

Riêng tại quận Long Biên, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết tháng 7/2022, đã có gần 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 4,1% so với năm 2021; hơn 7,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; trên 2,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hơn 7 tháng qua, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ban hành quyết định và tổ chức thanh tra, kiểm tra 2.563 đơn vị. Số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng.

Trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội một số địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… đã được Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết.

Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, đa số các cơ sở y tế trên địa bàn đã cung ứng đầy đủ vật tư y tế và hóa chất để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Còn với Đắk Nông, tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định; trong thời gian giao thời giữa các gói thầu, Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở y tế mua sắm trong các trường hợp cấp bách để luôn đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội các địa phương, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong công tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Việc thay đổi mức chuẩn hộ nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu tăng nên các tỉnh gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân không còn thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế… đã tác động đến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế ở một số địa phương.

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra phổ biến. Bên cạnh các doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19 nên không có khả năng nộp hoặc phải chậm nộp bảo hiểm xã hội, vẫn còn có những trường hợp cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội…

Tăng cường quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tại các Hội nghị, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, trong những tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; phân tích, đánh giá nguyên nhân giảm một số chỉ tiêu, từ đó đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp; tăng cường các giải pháp để tiệm cận 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời bám sát, theo dõi dữ liệu hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo 100% các xã, phường có điểm thu và các điểm thu đều có nhân viên trực.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục giám sát, tăng cường quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các chỉ tiêu quan trọng, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời, đúng quy định; nếu có vướng mắc cần báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xử lý giải quyết, không để cơ sở khám, chữa bệnh thiếu kinh phí khám, chữa bệnh…

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội địa phương cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ; thực hiện linh hoạt các giải pháp để chặn nợ mới phát sinh, thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ sớm để ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp./.

>>>Khẩn trương hướng dẫn thủ tục giải quyết chế độ BHXH cho lao động mắc COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục