Khuyến nghị tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài

10:07' - 27/12/2017
BNEWS Để tăng cường đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tại Việt Nam, ông Tomaso kiến nghị Chính phủ, cần giảm thiểu chất thải điện và nhiệt, vì điện năng rẻ nhất là sản phẩm không cần phải sản xuất.
Thúc đẩy việc thu hút đầu tư vốn nước ngoài . Ảnh minh họa: TTXVN

Bày tỏ sự quan ngại về chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam không phải là một nơi dễ dàng để những quốc gia ở xa tới đầu tư.

Các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP) cần dựa trên tiêu chí tài chính doanh thu đáng tin cậy. Các quy tắc được xác định xuyên suốt dự án hoặc việc thực hiện các chính sách ưu đãi, vốn là cách duy nhất để thu hút nguồn đầu tư tư nhân quốc tế thì chưa thực sự được đảm bảo tại Việt Nam.

Trong khi đó, vấn đề hợp đồng mua bán điện cũng đang tồn tại nhiều thách thức. Việc dễ dàng cấp phép cho các đơn vị không đủ năng lực tài chính, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm triển khai cũng ảnh hưởng tới việc hiện thực hóa xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời, đồng thời hạn chế việc cung cấp điện năng cho người dân, cho các nhà sản xuất và các doanh nghiệp.

Ông Tomaso nhấn mạnh, một năm nữa khi vốn ODA đổ vào, đủ đảm bảo cho Việt Nam có được nguồn điện năng mới, tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ năng lực và tiềm năng tại nơi này. Trong khi đó, xu hướng trong vài năm tới đây sẽ có khá nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển năng lượng chuyên nghiệp trên thế giới đổ tiền vào các dự án năng lượng. Hiển nhiên, họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở những nơi có môi trường kinh doanh cởi mở hơn. Vì thế, nếu Việt Nam không thay đổi để thích ứng, sẽ khó đón bắt được nguồn đầu tư này.

Để có thể tăng cường đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tại Việt Nam, ông Tomaso kiến nghị Chính phủ, cần giảm thiểu chất thải điện và nhiệt, vì điện năng rẻ nhất là sản phẩm không cần phải sản xuất. Thêm nữa, phải có phương thức quản lý sự lãng phí điện năng, quy trách nhiệm cho việc quản lý yếu kém một cách triệt để và quyết liệt.

Điều này, sẽ mở đường cho các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Nếu được khuyến khích, chắc chắn việc đầu tư cho năng lượng tái tạo cùng các giải pháp tiên tiến khác sẽ thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sẵn sàng thay thế những công trình cũ và hệ thống máy móc, quy trình sản xuất lạc hậu và không còn phù hợp sang những sản phẩm tương tự nhưng hiện đại và sạch hơn

Liên quan tới những giải pháp thúc đẩy việc thu hút đầu tư vốn nước ngoài, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho rằng, ngoại trừ một số lĩnh vực, ngành nghề như tài chính, bất động sản, du lịch và giáo dục thì Luật Đầu tư của Việt Nam hiện chưa quy định về vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kết quả là nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trong quá trình chuẩn bị đầu tư sang Việt Nam vẫn "đinh ninh" rằng không có quy định về vốn tối thiểu tương tự như ở Hàn Quốc. Đến khi liên hệ xin cấp phép đầu tư tại nhiều địa phương và sở, ngành thì họ đều "ngỡ ngàng" khi bị yêu cầu thông tin và áp dụng các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu.

Đây là điều Việt Nam cần lưu tâm, sớm ban hành hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng về các cơ quan cấp phép đầu tư hay đơn vị thẩm tra giấy phép đầu tư để việc gia nhập thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc được dễ dàng, suôn sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục