Kiểm toán Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng

08:25' - 28/01/2020
BNEWS Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã trao đổi với TTXVN về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2010 - 2020 và triển khai Chiến lược giai đoạn 2020 - 2030.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Năm 2020 với ngành kiểm toán là dấu mốc quan trọng khi tổng kết Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2010 - 2020 và triển khai Chiến lược giai đoạn 2020 - 2030. Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kết quả thực hiện Chiến lược cũng như kế hoạch, kỳ vọng trong năm mới của toàn Ngành.

*Phóng viên:Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2010 - 2020?

*Ông Nguyễn Tuấn Anh: Hiến pháp năm 2013 bổ sung Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trên cơ sở này, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung vào năm 2019 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, Ban cán sự, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành 39 Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật và gần 10.000 trang văn bản quản lý...

Hệ thống tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ.

Kiểm toán Nhà nước cũng luôn quan tâm, coi trọng và thực hiện tốt công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoạt động kiểm toán từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán. Chất lượng không ngừng được nâng cao từ giai đoạn lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước phát triển kiểm toán một số lĩnh vực mới: kiểm toán công nghệ thông tin; kiểm toán môi trường; tài nguyên, khoáng sản; các dự án BOT, BT;... kiểm toán một số chuyên đề lớn về đất đai, tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục và y tế...

Kết quả kiến nghị xử lý tài chính tăng đều qua các năm (thu hồi, giảm chi ngân sách nhà nước...), kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế chính sách (đặc biệt các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế...).

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 187 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 7 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Kiểm toán Nhà nước tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện cả về song phương và đa phương; tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp với các cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới, tăng cường cử công chức tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài nhằm tiếp cận các tiêu chí, quy trình, chuẩn mực và phương pháp kiểm toán mới nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên...

Đặc biệt, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.

Đây là sự kiện đối ngoại nổi bật của Kiểm toán Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước ở trong nước và quốc tế.

* Phóng viên: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được thông qua, xin ông cho biết Kế hoạch triển khai của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới?

*Ông Nguyễn Tuấn Anh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm, Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật với 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật trong và ngoài ngành. Thứ hai, rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật cũng như các văn bản quản lý hướng dẫn làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Thứ ba, rà soát các quy định hướng dẫn về khiếu nại, khởi kiện và xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị các nội dung trong Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước…

*Phóng viên: Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, xin ông cho biết Kiểm toán Nhà nước đã có những chuẩn bị gì cho hoạt động này?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Chất lượng kiểm toán luôn là ưu tiên hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động kiểm toán.

Việc cắt giảm số cuộc kiểm toán trong năm 2020 so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2019 là một chủ trương lớn, được chúng tôi thảo luận kỹ trên cơ sở xem xét toàn diện chức năng, nhiệm vụ và cân đối các nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; tổ chức đào tạo, tập huấn tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng kiểm toán (đặc biệt là việc tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán); bố trí đủ thời gian hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành trong năm 2020.

Việc lựa chọn đơn vị, chủ đề kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước luôn tuân thủ theo các quy trình lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, trong đó tất cả đơn vị, đầu mối, dự án được lựa chọn đều được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí công khai, minh bạch.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; tăng cường công tác khảo sát thu thập thông tin chi tiết; đưa vào ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng đối với các đoàn kiểm toán và sẽ xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm…

Đặc biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và công chúng với Kiểm toán Nhà nước rất lớn, đồng nghĩa vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày càng được nâng lên.

Sự phát triển và uy tín của Kiểm toán Nhà nước, cùng với kinh nghiệm của đội ngũ kiểm toán viên đã từng kiểm toán nhiều dự án, đơn vị có quy mô sử dụng ngân sách lớn, phức tạp, chúng tôi sẽ nỗ lực và tin rằng các cuộc kiểm toán trong năm 2020 sẽ bảo đảm chất lượng, khách quan; góp phần thiết thực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

*Phóng viên: Xin ông cho biết những hoạt động chính của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới với vai trò Chủ tịch Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021?

* Ông Nguyễn Tuấn Anh: Căn cứ định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong năm 2020, công tác đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021; củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan kiểm toán đặc biệt là các SAI (cơ quan kiểm toán) có thế mạnh trên một số lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước đang cần trao đổi và học tập kinh nghiệm; tích cực triển khai hiệu quả, khai thác tối đa kết quả các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ.

Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước sẽ chuẩn bị chu đáo để chủ trì điều hành thành công Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 tổ chức vào tháng 3/2020 tại Bangladesh; phối hợp với Tổng Thư ký ASOSAI, Nhóm nòng cốt quản lý Kế hoạch chiến lược ASOSAI, Chủ tịch Nhóm công tác Kiểm toán môi trường (ASOSAI WGEA) và các thành viên ASOSAI thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược ASOSAI năm 2020; tham gia Đề án nghiên cứu lần thứ 12 của ASOSAI về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững; tham gia các cuộc họp, hội thảo của Đề án nghiên cứu của ASOSAI WGEA; đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 3 của Đề án nghiên cứu lần thứ 12 của ASOSAI về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Cuộc họp trong khuôn khổ Cuộc kiểm toán hợp tác của ASOSAI về kiểm toán môi trường trong ASEANSAI.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ chủ trì và đăng cai một số hoạt động theo Kế hoạch ASEANSAI năm 2020, như: đăng cai Cuộc họp về giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch chiến lược ASEANSAI giai đoạn 2018-2021; Hội thảo về Kiểm toán tài chính của Ủy ban Đào tạo ASEANSAI; Cuộc họp thiết kế chia sẻ kiến thức về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI...

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ phối hợp với SAI Thái Lan - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 để làm tốt công tác chuẩn bị để tiến tới tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 15.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao về vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế theo Kế hoạch tuyên truyền thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI của Kiểm toán Nhà nước...

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục