Kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Cần Thơ

20:17' - 24/02/2022
BNEWS Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cửa hàng có nhiều trụ bơm nhưng chỉ bán một trụ, các trụ còn lại tạm ngưng thì đoàn sẽ tiến hành mở bồn để đo lượng xăng dầu, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý.

Ngày 24/2, Đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh xăng dầu của thành phố Cần Thơ do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Cần Thơ) đã tiến hành kiểm tra đột xuất các các cửa hàng xăng dầu, thương nhân phân phối trên địa bàn.

Theo đó, ngành chức năng thành phố Cần Thơ tổ chức đợt kiểm tra từ ngày 24/2 đến hết ngày 28/2/2022. Tại hai cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở quận Cái Răng và một thương nhân phân phối tại huyện Phong Điền, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cung cấp thông tin về khối lượng xăng dầu mua bán trong ngày, thời gian mở cửa bán hàng, niêm yết giá theo quy định. Bên cạnh đó, Đoàn cũng kiểm tra các thông tin liên quan đến điều kiện kinh doanh xăng dầu và phòng cháy, chữa cháy.

 

Ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra Sở Công Thương thành phố Cần Thơ – trưởng Đoàn kiểm tra cho biết, trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở một số địa phương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và thương nhân phân phối trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra đột xuất, hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu đều hoạt động bình thường, tuân thủ về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian bán hàng; không có tình trạng hạn chế bán hàng, lượng xăng dầu tại các cửa hàng đảm bảo cung cấp cho người dân.  

Đại diện các cửa hàng cũng cam kết đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho người dân. Đoàn kiểm tra cũng tuyên truyền, nhắc nhở các cửa hàng thực hiện mở cửa bán hàng đúng thời gian đã đăng ký.

Theo ông Phú, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cửa hàng có nhiều trụ bơm nhưng chỉ bán một trụ, các trụ còn lại tạm ngưng thì đoàn sẽ tiến hành mở bồn để đo lượng xăng dầu, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý.

Bên cạnh đó, trong thời gian hoạt động, nếu cửa hàng bán hạn chế, như xe máy chỉ được đổ tối đa 40.000 đồng còn ô tô là 200.000 đồng như vừa qua thì lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào các quy định để xử lý hành vi này.

Theo chủ các cây xăng, cách đây một tuần có đơn vị gặp khó khăn về nguồn cung từ thương nhân phân phối thuộc diện Bộ Công Thương quản lý nên có tình trạng thiếu xăng cục bộ trong vài giờ nhưng không gây gián đoạn việc cung cấp hàng hoá cho sinh hoạt và sản xuất.

Sau khi Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2 vừa qua, nguồn hàng từ các đầu mối khá khả quan, đặc biệt với mặt hàng dầu. Mặc dù nguồn cung không khan hiếm như thời gian trước nhưng để có đủ hàng duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải tìm tới nhiều đầu mối khác nhau.

Theo các doanh nghiệp, với mức chiết khấu từ 50 - 150 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay, mỗi lít xăng, dầu bán ra, họ đang đang lỗ từ 300 – 500 đồng.

Ông Ngô Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Tây Nam Cửu Long – thương nhân phân phối bán lẻ xăng dầu tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây cho biết, trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nguồn cung từ các đầu mối cho công ty gặp tình trạng thiếu hụt và mới trở lại ổn định cách đây khoảng 10 ngày.

Với nguồn xăng dầu được nhập từ 3 đầu mối là Petrolimex, Nam Sông Hậu Petro và Petro Mekong, ông Hùng cho biết hiện tại vẫn đủ duy trì cho các đại lý và 4 cửa hàng bán lẻ trực thuộc công ty hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nay, từ doanh nghiệp từ thương nhân cho đến đại lý bán lẻ đang lỗ rất nhiều do chiết khấu mặt hàng xăng dầu rất thấp, thậm chí bằng 0 đồng. Với chiết khấu 50 đồng/lít xăng, dầu, nếu vận chuyển về tới cửa hàng để bán lẻ cho người dân thì hầu như không có lãi.

Giám đốc Công ty Tây Nam Cửu Long cho rằng việc đáp ứng nguồn cung mặt hàng xăng dầu nằm ở các đầu mối phân phối. Nếu các đơn vị này không có biện pháp để đưa hàng về cung cấp cho các thương nhân phân phối bán lẻ thì thì với mức lỗ như hiện tại, những cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu khó lòng duy trì được.

Ông Nhan Hồng Thơ, quản lý Cửa hàng số 9, Công ty TNHH Thương mại Dầu khí Chính Giang (quận Cái Răng) cho biết, điểm kinh doanh này có các bồn chứa với tổng cộng khoảng 50.000 lít; trong đó xăng A95 là 16.000 lít với sản lượng bán ra bình quân mỗi ngày từ 3.000 – 5.000 lít xăng, dầu. Về nguồn cung, ông Thơ cho biết nhà phân phối là Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) vẫn đáp ứng đủ cho cửa hàng.

Trước đó, dù có thời điểm chỉ nhập được khoảng 90% nhu cầu nhưng ông Thơ cho biết cơ bản vẫn đủ để cửa hàng hoạt động, nhập được bao nhiêu là bán bấy nhiêu, cam kết cung cấp đủ xăng, dầu cho người dân trong khả năng của đơn vị.

Đại diện các đơn vị phân phối, kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị ngành chức năng, đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối lớn trong nước phải cung ứng đầy đủ nguồn xăng trong thời gian tới để đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng của thành phố.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ, hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn thành phố hiện có 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối có trụ sở tại Cần Thơ, 23 thương nhân phân phối có đăng ký địa bàn hoạt động tại Cần Thơ, 6 đại lý bán lẻ và 305 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung trên thị trường, tại thành phố Cần Thơ có dấu hiệu khan hiếm mặt hàng xăng dầu.

Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm địa bàn, nắm tình hình diễn biến thị trường về mặt hàng xăng dầu, tổ chức kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về kinh doanh xăng dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục