Kiến nghị rút giấy phép các doanh nghiệp chậm trồng rừng thay thế

19:06' - 16/11/2015
BNEWS Chậm trồng bù rừng thay thế, số liệu chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng là các nội dung làm nóng nghị trường trong ngày đầu của phiên chất vấn tại Quốc hội.
Hàng loạt những vấn đề như chậm trồng bù rừng thay thế, số liệu chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng là những nội dung nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc đưa ra tại nghị trường ngay trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 16/11. 

Phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Chậm trồng rừng thay thế 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát cho biết, sở dĩ đến nay, các dự án trồng rừng ở các dự án thủy điện còn chậm do thực tế có một số các doanh nghiệp báo cáo, trước đây khi xét duyệt dự án thủy điện, thủy lợi không nhắc đến chuyện trồng rừng thay thế. Điều này dẫn đến việc hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn triển khai trồng rừng thay thế nhưng cũng không có tiền để thực hiện. 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực tế một số dự án thủy điện đã được phê duyệt ở giai đoạn trước khi Quốc hội rà soát, siết chặt vấn đề trồng rừng thay thế. Điều này cũng dẫn đến có độ “vênh” về số liệu trong việc xét duyệt các dự án thủy điện phải thực hiện trồng bù thay thế rừng. 

“Để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hiện nay Bộ NN và PTNT đang tiến hành khắc phục và đề nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo đúng luật trong việc thực hiện trồng rừng thay thế. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị rút giấy phép hoạt động”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra giải pháp. 

Đối với việc chậm thực hiện trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận có sai sót và cho biết: "Chúng tôi đang khắc phục và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng luật và rất nghiêm túc. Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Hai năm nay, tình hình chuyển biến tích cực hơn rất nhiều. Hết năm nay, việc trồng rừng thay thế rừng đã lấy làm thủy điện có thể đạt được kế hoạch của năm 2015". 

Chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng thay thế 

Liên quan đến số liệu chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng thay thế liên quan đến các dự án thủy điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trên thực tế chúng ta liên tục phải lấy diện tích đất rừng để chuyển đổi sang các mục đích khác, do đó về con số thống kê ở những thời điểm khác nhau sẽ có những con số khác nhau. 

“Những con số có thể vênh nhau do thời điểm thống kê, nhưng về cơ bản, Bộ NN và PTNT đã có báo cáo chi tiết diện tích rừng trồng bù của từng dự án, từng địa phương và đã được rà soát rất kỹ. Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng sẽ cùng với Bộ Công Thương phối hợp rà soát lại để có con số thống kê chính xác nhất”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định. 

Cam kết thực hiện tiến độ trồng rừng thay thế trong năm 2016 của Bộ NN và PTNT và Bộ Công Thương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Quốc hội đã cho phép thực hiện việc trồng rừng thay thế đến năm 2016. Riêng trong 2 năm vừa qua, sau khi được Quốc hội quan tâm và bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác trồng rừng thay thế đã có những chuyển biết tích cực. Nhiều khả năng hết năm 2015, việc trồng rừng thay thế tại các dự án đã lấy để làm thủy điện có thể đạt được kế hoạch đề ra. "Quá trình này khi đã vào guồng chắc chắn sẽ được thực hiện nghiêm túc" - Bộ trưởng khẳng định. 

Chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất của thuốc bảo vệ thực vật 

Theo quy định tại Điều 5, Khoản 5, mục B, Thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: "Trước khi Thông tư ban hành, Bộ cho lưu hành 4.100 tên thuốc BVTV với 1.700 hoạt chất. Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá, khiến bà con nông dân, nhà quản lý gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và cây trồng của mình. Để chấn chỉnh, Bộ chủ trương siết chặt lại, quy định đăng ký những tên thuốc". 

Trong Thông tư này quy định mỗi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất. Trước khi ban hành, Bộ đã thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi và thể hiện trong biên bản các cuộc họp. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến và xem xét kỹ ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần siết chặt quản lý, bảo đảm lợi ích cho hàng triệu bà con nông dân, vì đây cũng là vấn đề liên quan rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng: "Việc siết chặt quy định với hoạt chất trong nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân có thuốc tốt và sử dụng có hiệu quả. Nếu thả ra quá rộng rãi sẽ không giúp ích nhiều. Tất nhiên cũng đã tính đến yếu tố cạnh tranh…"./. 

Thúy Hiền/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục