Kinh tế miền Trung: Cần chuyển hóa từ lợi thế thành thực lực

17:17' - 26/09/2017
BNEWS Để duyên hải miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển vùng duyên hải miền Trung.
Kinh tế  miền Trung: Cần chuyển hóa từ lợi thế thành thực lực. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Sau 3 năm kể từ khi Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 1 với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 8/2014, kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung có tốc độ tăng trưởng khá.

Song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiềm năng và lợi thế của các tỉnh duyên hải miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.

Theo số liệu của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, hầu hết các tỉnh,thành phố vùng duyên hải miền Trung đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm giai đoạn 2011-2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9% /năm). Tổng thu ngân sách 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung trên địa bàn năm 2016 đạt 132,2 nghìn tỷ đồng.

Qua nguồn thống kê của các tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 của 8/9 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận đều đạt trên mức trung bình 5,73% của cả nước, cao nhất là thành phố Đà nẵng 8,1%. Tổng thu ngân sách của 9 tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 58.538 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 45.921 tỷ đồng.

Ba năm qua, tuy kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung có tốc độ tăng trưởng khá, song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiềm năng và lợi thế của các tỉnh duyên hải miền Trung chưa được phát huy đầy đủ; nhiều lực cản còn đang níu kéo sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế miền Trung, đòi hỏi cần phải có sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoại tỉnh để đưa kinh tế miền Trung cất cánh cùng cả nước.

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp góp phần để kinh tế vùng duyên hải miền Trung phát triển một cách bền vững.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với địa hình hẹp, địa thế trải dài; chiều dài đường biên cả trên bộ lẫn dưới biển lớn, chứa đựng tiềm năng và nhu cầu mở cửa hội nhập rất lớn của vùng.

Mở cửa, hội nhập được coi là năng lực phát triển “tự thân” và phát triển nhu cầu tự nhiên của vùng.

Nhưng để duyên hải miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển vùng duyên hải miền Trung. Vì vậy, cần xác lập tầm nhìn mới cho sự phát triển vùng là tầm nhìn cơ cấu và tầm nhìn liên kết vùng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những vấn đề mới đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế vùng ven biển miền Trung bền vững.

Lần này, với việc xây dựng Luật Hành chính kinh - kinh tế đặc biệt cho 3 khu (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc) đang trình Quốc hội, có thể coi như bước tiến thực tế rất xa trong việc thực thi thể chế mang tính đột phá của Nhà nước kiến tạo phát triển trong tình hình mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển chia sẻ, các điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo cho miền Trung nhiều lợi thế so sánh trong phát triển, cùng với vị trí “mặt tiền hướng biển” và tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu.

Bởi vậy, miền Trung đang từng bước phát huy lợi thế, chuyển ‘yếu thế’ thành lợi thế và biến lợi thế của biển đảo, vùng ven biển thành lợi ích của vùng và của đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục