Kinh tế tập thể giúp phát triển cây thanh long: Bài cuối: Bài toán liên kết

09:47' - 16/07/2022
BNEWS Từ thực tế sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, bất kỳ loại nông sản nào cũng cần một chuỗi mắt xích liên kết chặt chẽ với nhau.

Cây thanh long, người trồng thanh long cũng không ngoại lệ. Để cây thanh long đứng vững trên mảnh đất vốn đã được chuyển đổi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hay mảnh đất đầy nắng và gió của Bình Thuận, người trồng thanh long cần có một chuỗi liên kết sản xuất, thương mại mới để đưa trái rồng vươn xa.

 

Đi lên từ những hợp tác xã

Nói đến hợp tác xã, từ nông dân đến doanh nghiệp hiện nay đều không xa lạ với hình thức liên kết sản xuất nhỏ nhất của nông dân sản xuất, kinh doanh cùng một loại sản phẩm. Cũng từ đây, người trồng thanh long đã ý thức phải có một đơn vị đại diện cho sản phẩm của mình trong giao dịch và thương mại. Bởi với xu thế giao thương hiện đại, tìm hiểu thông tin sản phẩm và thu mua với số lượng lớn, từng nông dân khó có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Chỉ có hợp tác xã với tư cách pháp nhân tương đương một doanh nghiệp, tiến hành đàm phán và giao dịch nhanh nhất, tiện lợi nhất cho nông dân.

Tại vùng trồng thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Long An, ai cũng biết đến Hợp tác xã thanh long Tầm Vu, một trong những hợp tác xã làm ăn hiệu quả.

Ông Trương Quang An, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Tầm Vu chia sẻ, ban đầu người trồng thanh long còn lo ngại hợp tác xã hoạt động theo kiểu cũ sẽ không hiệu quả, nên số lượng thành viên tham gia rất ít, diện tích cũng nhỏ hẹp. Thế nhưng sau hơn 10 năm hoạt động, Hợp tác xã thanh long Tầm Vu mang lại lợi nhuận cho thành viên cao và ổn định, nên thu hút thành viên tham gia đông đảo gồm 70 thành viên, với diện tích 90 ha.

Phần lớn diện tích trồng thanh long của hợp tác xã đều theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng trái thanh long, hợp tác xã còn đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500 m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long 500 tấn.

Mỗi năm, hàng ngàn tấn thanh long được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới; trong đó 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất… Nhờ đó mà doanh thu của hợp tác xã năm sau luôn cao hơn năm trước.

Hơn 1 năm qua, khi thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp trục trặc do liên quan tới dịch COVID-19, khiến người trồng thanh long điêu đứng, thì thành viên Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu vẫn làm ăn có lãi. Nhiều nơi phải bán với giá vài ngàn đồng/kg, người trồng lỗ nặng, thì thanh long của thành viên Hợp tác xã Tầm Vu luôn được mua với giá trên 10.000 đồng/kg, bảo đảm người trồng có lãi.

Cùng với Hợp tác xã thanh long Tầm Vu, còn có nhiều hợp tác xã thanh long ở địa phương khác cũng "ăn nên làm ra" với các chiến lược phát triển của riêng mình.

Anh Ðỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận chia sẻ, hợp tác xã thành lập năm 2017 với 12 thành viên, diện tích cũng không lớn để có thể tự cung ứng các đơn hàng xuất khẩu. Hợp tác xã Hoà Lệ đã liên kết thu mua thanh long của 5 hợp tác xã khác trong khu vực để đủ sản lượng cung ứng cho doanh nghiệp là 65 tấn/tháng.

Kể từ khi có vùng nguyên liệu và ký kết cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp, Hợp tác Hoà Lệ cũng đã mở rộng ký kết thêm nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thanh long khác như Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka xuất hàng đi Nhật Bản với sản lượng 72 tấn/tháng, Công ty TNHH Phát triển thương mại quốc tế Song Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Ðộ với sản lượng trung bình 116 tấn/tháng, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 210 tấn/tháng.

Thay đổi tư duy sản xuất, tạo thế cạnh tranh

Nếu chỉ sản xuất và xuất khẩu trái thanh long tươi, đến một lúc nào đó, trái thanh long Việt Nam sẽ tự đưa vào sản phẩm lối mòn, mà người tiêu dùng lại luôn yêu cầu cao hơn về thực phẩm, nên luôn đòi hỏi sự mới mẻ trong sản phẩm. Trái thanh long muốn tồn tại và có thế cạnh tranh, người sản xuất cũng phải tuân theo sự sáng tạo trong sản xuất và tiêu dùng đó.

Anh Đỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã thanh long Hoà Lệ chia sẻ, để tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm thanh long, hợp tác xã đã nghiên cứu thành công 10 sản phẩm từ thanh long sạch như rượu vang thanh long, nước cốt thanh long trắng, đỏ lên men; kem; mứt; nước ép thanh long; bia thanh long; kẹo; thanh long sấy dẻo...

Những sản phẩm này góp phần tăng giá trị quả thanh long, tăng thêm thu nhập cho thành viên hợp tác xã và người lao động… Hiện, hợp tác xã tiếp tục liên kết chuỗi tiêu thụ với 6 hợp tác xã sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn huyện và các tổ, vườn sản xuất của các huyện khác trong tỉnh để mở rộng diện tích tiêu thụ thanh long.

Song song với sáng tạo ra những sản phẩm từ trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh của thanh long với các sản phẩm khác, tư duy về phương thức sản xuất, tiêu thụ thanh long cũng dần thay đổi để thích ứng với biến động của thị trường.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, người sản xuất thanh long phải tổ chức lại sản xuất, phải gắn sản xuất với thị trường. Các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.

Trong chuỗi sản xuất thanh long, nông dân chính là người đầu tiên bắt đầu cho chuỗi ngành hàng, vì vậy phải quản lý người sản xuất thanh long. Từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thay đổi dần dần tư duy từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch vì đây là xu thế tất yếu trong cạnh tranh.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, sản lượng thanh long cả nước đạt gần 1,4 triệu tấn; trong đó, riêng ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang chiếm sản lượng hơn 1,25 triệu tấn. Thanh long Việt Nam đã được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng từ 15-20% sản lượng, còn lại từ 80-85% sản lượng là xuất khẩu. Trong xuất khẩu, chỉ có khoảng từ 2-3% là xuất khẩu chính ngạch, còn lại theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ, biên độ lợi nhuận của thanh long rất lớn, tư duy của những người làm trong hợp tác xã vùng trồng thanh long là tư duy của một doanh nghiệp, chỉ chú trọng ở mảng lợi nhuận, chứ không chú trọng tới lợi ích cho cộng đồng, khi có rủi ro về thị trường là mạnh ai nấy lo, vì vậy ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Để gắn kết sản xuất với tiêu thụ cần phải hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long, đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp; giảm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian. Chuỗi thanh long cũng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa để tránh được những thời điểm thanh long khó xuất khẩu, người trồng thanh long vẫn có thể đứng vững với sản phẩm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục