Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong nông nghiệp

16:10' - 04/08/2021
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng của Bộ này ước đạt 4.183 tỷ đồng, tương đương 42,48% kế hoạch.

Năm 2021 là năm kết thúc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án phải hoàn thành, bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt. Do đó, việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các đơn vị, chủ đầu tư, chủ dự án đã khắc phục khó khăn, xử lý tốt các vướng mắc trong triển khai, thúc đẩy giá trị giải ngân và cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt mức trung bình chung của cả nước.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án. Đến thời điểm hiện nay, Bộ đã rà soát và dự kiến giải ngân phần vốn trong nước của năm 2021, phấn đấu đạt 100% kế hoạch được giao.

Với phần vốn nước ngoài, Bộ phấn đấu giải ngân đến mức tối đa vì gặp một số vướng mắc về quy định xuất xứ nguyên vật liệu theo Hiệp định đã ký với nhà tài trợ, quy định của Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, không cho sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán thuế và một số chi phí khác.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải ngân nhanh các công trình, dự án góp phần tác động đến tăng trưởng và phục vụ sản xuất cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt các dự án quan trọng, quy mô lớn.

Bộ tổ chức định kỳ, đột xuất các hội nghị trực tuyến giao ban xây dựng cơ bản, kiểm tra, giám sát để kịp thời nhận diện vướng mắc của từng dự án, chủ đầu tư; đồng thời có giải pháp cụ thể tháo gỡ, đặc biệt là việc đền bù giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện dự án để đôn đốc và cùng chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là những dự án lớn, phức tạp, có kế hoạch vốn nhiều.

Tại các buổi giao ban trực tuyến toàn ngành về xây dựng cơ bản, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc, chủ đầu tư tích cực, quyết liệt phối hợp triển khai đồng bộ giải pháp đã đề ra và thống nhất trong cuộc họp để phấn đấu giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2021.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Điển hình như đối với các dự án vốn ngân sách Trung ương, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Hai dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, địa phương triển khai không kịp tiến độ xây dựng là hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình và hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk. Riêng dự án hồ chứa nước Cánh Tạng còn có phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng nhưng tỉnh Hòa Bình chưa bố trí được theo cam kết.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên họp giao ban bằng nhiều hình thức, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 do lãnh đạo Bộ chủ trì để xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường, đặc biệt là giải phóng mặt bằng tại các địa phương. Bộ đề nghị hệ thống chính trị các cấp nhập cuộc, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư; tuyên truyền, vận động, giải thích, đối thoại về chế độ chính sách bồi thường của Nhà nước để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, Bộ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất. Chủ đầu tư, các cục, vụ tiếp tục làm việc với nhà tài trợ xử lý vướng mắc tại một số dự án ODA.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP theo hướng tiếp tục cho phép sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án có Hiệp định ký trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ về việc tăng giá đột biến vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép xây dựng trong thời gian vừa qua để có thể điều chỉnh hợp đồng, bù giá vật liệu theo giá thời điểm hiện hành.

Tổng kế hoạch vốn năm 2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 9.846 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục