Ký hai thỏa thuận về giá khí và cước vận chuyển cho dự án Lô B – Ô Môn

12:10' - 01/09/2017
BNEWS Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và Thỏa thuận về cước phí vận chuyển cho chuỗi Dự án trọng điểm quốc gia khí Lô B – Ô Môn đã được ký kết sáng 1/9, tại Hà Nội.
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Anh Nguyễn/BMEWS/TTXVN

Thỏa thuận được ký giữa các bên gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO) Nhật Bản, Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT (PTTEP) Thái Lan.

Phát biểu tại lễ ký, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh: Lô B- Ô Môn là dự án khai thác khí có cấu tạo địa chất khá phức tạp, bao gồm hàng nghìn vỉa khí giấu kín, khác hoàn toàn với các dự án đã và đang khai thác tại Việt Nam nên đòi hỏi phương án khai thác tương tự như các dự án khai thác khí tại vịnh Thái Lan.

Tháng 7 vừa qua, PVN đã trình phương án phát triển mỏ lên Bộ Công Thương. Theo đó, việc khai thác sẽ cần tới 1000 giếng khoan và từ 50 - 60 giàn khai thác được thi công liên tục trong suốt vòng đời dự án. Đây chính là thách thức không nhỏ đòi hỏi tính chuyên môn hóa và tương tác cao nhất với hệ thống quản lý điều hành. Tuy nhiên, PVN cam kết sẽ đảm bảo dự án đúng tiến độ và cho hiệu quả cao.

Cũng ông Sơn, việc ký kết các Thỏa thuận này tạo tiền đề quan trọng để các bên liên quan sớm đi đến thống nhất các Thỏa thuận thương mại cần thiết cho chuỗi Dự án. Đồng thời sớm ra các quyết định đầu tư cuối cùng và đưa chuỗi dự án vào triển khai với mục tiêu cho dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021.

Toàn cảnh lễ ký kết Thỏa thuận giá khí tại miệng giếng Dự án khí Lô B - Ô Môn ngày 1/9/2017. Ảnh: Anh Nguyên/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Dự án khi Lô B – Ô Môn là môt trong hai dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay. Tổng mức đầu tư của Dự án thượng nguồn và dự án đường ống lên tới 10 tỷ USD.

Trong giai đoạn bình ổn, với sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 5 tỷ m3, Dự án sẽ cung cấp nguồn khí thô quan trọng cho các hộ tiêu thụ tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ) và Trung tâm Khí Điện Đạm Cà Mau. Đặc biệt, với tổng doanh thu toàn bộ dự án khoảng 47 tỷ USD, Lô B – Ô Môn sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 18 tỷ USD.

Việc phát triển Dự án này sẽ cung cấp nguồn khí quan trọng để ổn định và phát triển khu vực miền Tây Nam Bộ, là động lực phát triển cho các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Để đảm bảo sự phát triển đồng bộ của dự án trọng điểm quốc gia khí Lô B – Ô Môn, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với PVN và tổ hợp nhà thầu để sớm hoàn tất đàm phán, bảo lãnh Chính phủ cho dự án cũng như chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN sớm đạt được thỏa thuận hợp đồng bán khí trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PVN và tổ hợp Nhà thầu bắt tay giao ước sau lễ ký Thỏa thuận cước vận chuyển khí Dự án Lô B - Ô Môn ngày 1/9/2017. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bộ Công Thương cũng cam kết chỉ đạo các nhà máy điện do EVN làm chủ đầu tư sử dụng khí Lô B – Ô Môn.

Theo PVN, vào năm 1997, các nhà thầu nước ngoài bắt đầu các hoạt động thu nổ địa chấn và khoan thăm dò trải dài trên 5 cụm mỏ gồm: Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi, Vàng Đen và Thiên Hà. Trên cơ sở đó, báo cáo trữ lượng các mỏ Kim Long, Ác Quỷ và Cá Voi đã được các bên nhà thầu hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010.

Tháng 2/2015, được sự đồng ý của Chính phủ, PVN đã mua lại tài sản của Chevron tại các lô hợp đồng này cũng như Dự án đường ống khí lô B-Ô Môn để chính thức trở thành người Điều hành Dự án Thượng nguồn và Dự án Đường ống./.

>>> Phê duyệt danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục