Kỳ họp Quốc hội: Thay đổi mô hình tăng trưởng, không dựa vào khai thác tài nguyên

15:00' - 24/10/2017
BNEWS Sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần thay đổi mô hình tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên.
Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV. Ảnh: TTXVN
Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 vào sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần thay đổi mô hình tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên.

*Cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Nhìn về kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2017 cũng như ước tính các chỉ số đạt được của cả năm, trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ đạt 6,7%, trong 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch, các đại biểu cho rằng đây là cố gắng của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Chính phủ hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Đặc biệt, năm 2017 đã hoàn thành “mục tiêu kép”, đa mục tiêu: kiểm soát được lạm phát 4%, kiểm soát được bội chi ngân sách, nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất được kéo giảm, tỷ giá tiền đồng được chọn là đồng tiền ổn định nhất trong thời gian qua nhờ thặng dư được cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai. Bội chi ngân sách giảm 4.000 tỷ đồng, từ 178.300 tỷ đồng xuống còn 174.300 tỷ đồng, giữ được mức bội chi 3,5%/GDP. Nếu như nợ công cuối năm 2016 là 63,6% GDP với nỗi lo “đụng trần” thì nay theo tính toán giảm xuống còn 62,6%. Theo đại biểu, những kết quả đã đạt được là bức tranh đẹp, tổng quan. “Cần phải đánh giá đúng mực sự nỗ lực của Chính phủ”, đại biểu Ngân nói.

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt khi mà đầu tư nước ngoài tăng lên cả về số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn. Các doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, các chính sách hiện chưa rõ nét trong việc làm thế nào để tiếp sức, thực hiện được Nghị quyết Trung ương 5 lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để cho nền kinh tế phát triển. Theo đại biểu, vẫn ít các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm soát một số rủi ro về tài chính bởi hệ số vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến 93% GDP. Nếu kinh tế thế giới có sự bất ổn sẽ tác động tới nền kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư gián tiếp nước ngoài khi thấy được giá sẽ chốt và rút vốn, gây bất ổn về thị trường ngoại hối, do đó, cần có sự giám sát và chuẩn bị để đảm bảo cân đối này. Độ sâu tài chính, cụ thể là dư nợ tín dụng/GDP, sự "nở phồng" của tài chính là vấn đề phải kiểm soát rủi ro.

Chỉ ra những vấn đề trong bức tranh kinh tế chưa giải quyết được, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: xuất khẩu tăng cao nhưng phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung, Formosa có đóng góp cho xuất khẩu rất cao nhưng phân tích kỹ thì các doanh nghiệp này chủ yếu nhập nguyên vật liệu. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia vào chuỗi giá trị FDI của Samsung, Formosa nhiều vì tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm này thấp, nên giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam rất thấp. “FDI xuất khẩu và nhập khẩu nhiều nhưng là đóng góp cho nền kinh tế khác”, đại biểu Tuấn nói.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng sức cầu thị trường bán lẻ của Việt Nam chưa phát triển, trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam rất lớn, kéo theo đó là hàng hóa nước ngoài vào theo, điều này có thể dẫn tới sự phát triển kém của doanh nghiệp nội trong tương lai.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Tuấn đề cập là giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 30%. “Vốn trái phiếu Chính phủ ta đi vay, huy động, phải trả lãi trong khi đó chưa bố trí kịp thời luồng vốn này cho đầu tư phát triển, vừa gánh nặng trong việc trả nợ, vừa không đem lại sự lan tỏa trong đầu tư phát triển”, đại biểu Tuấn nhận định.

Phân tích của đại biểu cho thấy, một số dự án trọng điểm lớn của các địa phương đang thiếu vốn nhưng nhiều dự án lại chưa kịp giải ngân, giải ngân chưa hết, chưa có sự linh hoạt trong điều hành về phân bổ vốn đầu tư phát triển, dẫn tới chỗ thiếu vốn, chỗ thừa vốn, ảnh hưởng tới sự lan tỏa chung. Đặc biệt là năm nay không bố trí vốn linh hoạt cho các dự án trọng điểm nên các dự án này sẽ có độ trễ, về mặt dài hạn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chung.

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị cần quan tâm đến tiến độ giải ngân. Bởi, nếu không đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy sản xuất thì không thể thúc đẩy phát triển. Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế, vừa qua, tiến độ giải ngân rất chậm, về thực hiện các chương trình mục tiêu, mặc dù đã có chủ trương nhưng giải ngân rất thấp, đến giờ vẫn còn 196 nghìn tỷ đồng "treo lơ lửng". Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, nên có nghị quyết của Quốc hội về yêu cầu khống chế thời gian thực hiện việc giải ngân.

Thực tế cho thấy, Chính phủ đã rất nỗ lực song vẫn còn tình trạng "trên nói nhưng dưới chưa chuyển"; còn tình trạng làm khó doanh nghiệp, doanh nghiệp còn phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh khác trong sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng đề nghị cần phải tập trung để hỗ trợ doanh nghiêp tư nhân.

*Không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô

Phân tích về động lực tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô. Năm 2016 và 2017, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá. Với than đá, bình quân khai thác ở độ sâu (-) 285m so với mặt nước biển, chi phí giá thành cao, khai thác khó khăn. Dầu thô năm 2017 kế hoạch đạt được chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%. Muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì khai thác dầu hiện phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm.

Phó Thủ tướng cho biết 3 tháng cuối năm tăng thêm 9% tín dụng nhưng không đáng lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng. Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo các khoản nợ trên 5.000 tỷ đồng. Qua báo cáo, rà soát cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập đoàn địa ốc phần lớn là nợ nhóm 1- có khả năng nợ cao nhất. Còn tính tổng công ty mẹ, công ty con, tập đoàn nợ cao nhất là 20.000 tỷ đồng.

Chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp nên tăng trưởng giảm bớt đầu tư vốn, tín dụng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật. Công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục