Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Phấn khởi hoàn thành bài thi cuối

13:45' - 24/06/2017
BNEWS Sáng 23/6, thí sinh cả nước thực hiện bài thi cuối cùng của kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 - bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.

Ở bài thi tổ hợp này, thí sinh bắt buộc phải hoàn thành làm cả ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân. Với thí sinh tự do, các em được đăng ký theo từng môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng. Với môn thi Địa lý, thí sinh được mang theo Atlat vào phòng thi.

Phấn khởi vì làm được bài

Cùng với thí sinh cả nước, hơn 9.200 thí sinh của Phú Thọ đã tập trung hoàn thành nốt bài thi cuối cùng.

Thí sinh sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng tại điểm thi Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Tại điểm thi Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, thành phố Việt Trì, đa số thí sinh ra khỏi phòng thi với tinh thần phấn khởi. Theo các thí sinh, đề thi khá sát với kiến thức các em đã được học, ôn luyện trước đó và gần gũi với thực tế đời sống, như môn Địa lý, Giáo dục công dân, còn môn Lịch sử thì có tính phân loại rõ rệt.

Em Đặng Hoàng Anh cho biết: Hai môn Địa lý và Giáo dục Công dân em làm bài tốt, mỗi môn làm chắc chắn được khoảng 70%, còn lịch sử chỉ được khoảng 50%. Do đăng kí xét tuyển đại học với các môn thi khối D, nên em rất hài lòng với kết quả trên.

Còn tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Trì, em Phan Thu Hương, là thí sinh thi tự do làm bài lấy kết quả xét tuyển vào Đại học, vì vậy em chỉ thi môn Lịch sử và Địa lý. Thu phấn khởi cho biết: Lúc đầu em cảm thấy rất lo lắng, nhưng sau khi nhận được đề thi, em nhận thấy câu hỏi rất vừa sức. Thu từng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, nên em đã làm rất tốt môn thi này. Với môn Lịch sử thì khó hơn, nhưng em cũng khẳng định, làm chắc chắn được khoảng 80%.

Tại điểm Trường Trung học phổ thông Việt Trì, em Lê Thị Minh Hương chia sẻ, với đề thi Lịch sử, em chỉ làm được 40%. Theo Hương, để làm được môn Lịch sử tốt, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tư duy rất nhiều. Càng về sau câu hỏi càng khó và có tính phân loại rõ rệt. Còn với môn Địa lý và Giáo dục công dân thì “dễ thở” hơn với đa số các thí sinh, vì đề ra rất gần với thực tế và đời sống xã hội.

Sáng 24/6, khoảng 19.000 thí sinh Nghệ An bước vào buổi thi cuối cùng tổ hợp môn Khoa học xã hội. Ghi nhận tại các điểm thi, tâm lý thí sinh khá nhẹ nhàng, thoải mái.

Tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Lê Viết Thuật, thành phố Vinh, nhiều thí sinh đều đánh giá đề thi môn Địa lý khá dễ so với đề thi thử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung câu hỏi phong phú bám sát với chương trình học, dễ đạt từ điểm 7 trở lên. Nhiều thí sinh cho rằng, đề Địa lý năm nay không thời sự như các em vẫn nghĩ, không có vấn đề chủ quyền biển đảo, chỉ có về du lịch và đánh bắt hải sản.

Thí sinh Lê Lan Phương ở điểm thi THPT thông Lê Viết Thuật cho rằng: Với đề thi này em chắc chắn các bạn đều làm được trên 50% vì gần một nửa số câu hỏi là sử dụng Atslat. Các câu hỏi khác cũng không đánh đố thí sinh, hầu hết kiến thức trong sách giáo khoa và không liên hệ với thực tế hay kiến thức bên ngoài. Đối với đề thi Lịch sử thì nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay không quá dài, đề thi kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, tuy nhiên vì không có câu liên hệ với thực tế nên không hay, không gây được sự hứng thú với các em.

Đây là năm đầu tiên môn Giáo dục Công dân được đưa vào kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia nên các thí sinh khá hồi hộp. Đề thi ít nhiều cũng gây hứng thú với nhiều thí sinh khi các câu hỏi trong đề thi không bắt buộc các em phải học thuộc lòng mà hướng mở, gắn với thực tế. Bởi vậy nhiều thí sinh vẫn có thể liên hệ để làm bài.

Tại An Giang, nhiều thí sinh tỏ ra khá mệt mỏi sau 150 phút làm bài với lượng kiến thức khá lớn. Phần đông thí sinh đều cho rằng, đề thi môn Lịch sử tương đối khó; đề thi môn Địa lý có tính vận dụng cao, yêu cầu thí sinh hiểu biết thực tế. Còn đề thi môn Giáo dục Công dân không khó, dù là lần đầu thi nhưng nhiều em chỉ cần khoảng 20 phút đã làm bài xong.

Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật, thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Tại Bạc Liêu, thí sinh nhận định đề Giáo dục Công dân khá hay bởi không đơn thuần là lý thuyết, mà phải có sự hiểu biết mới làm được. Đề thi Lịch sử kiến thức dàn trải, có độ bao quát cao, nhiều câu hay đòi hỏi thí sinh phải nhớ các mốc thời gian và xâu chuỗi sự kiện, một vài câu đòi hỏi phải tư duy, suy luận nhưng không nhiều. Đề thi Địa lý có tính vận dụng cao, phần kinh tế vùng được hỏi khá nhiều, yêu cầu thí sinh hiểu biết thực tế, đề thi phân loại được thí sinh.

Đánh giá nội dung các đề thi năm nay, một số giáo viên nhận định đề thi rất phù hợp với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Tổ trưởng bộ môn Địa lý, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhận định: Đề thi Địa lý năm nay không quá khó, có sự phân hóa khá tốt.

Đặc biệt là đề thi có tinh tính vận dụng cao, nhất là các câu hỏi liên quan đến kinh tế vùng, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức xã hội và thực tiễn. Với đề thi này, nếu ôn tập tốt kết hợp với sử dụng hiệu quả Atlat Địa lý Việt Nam sẽ đạt được điểm cao.

Buổi thi cuối nghiêm túc, an toàn

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tỉnh Phú Thọ, tỉnh này không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Trong những ngày làm thủ tục và diễn ra kỳ thi, thời tiết trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhìn chung thuận lợi nên không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sức khỏe của các thí sinh, cán bộ coi thi.

Đặc biệt, với 250 trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ kịp thời về ăn, nghỉ, đi lại, nhằm tạo điều kiện cho các em tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 tỉnh Phú Thọ cũng đã sự chủ động, tích cực trong công tác phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc

Tại Nghệ An, buổi thi cuối tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật có một thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, tại cụm thi số 28 do Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An chủ trì chỉ có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi.

Trong suốt kỳ thi, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Bạc Liêu khá ổn định. Việc đi lại của thí sinh thông suốt, thí sinh đến phòng thi đúng giờ, người nhà đưa đón con em thuận tiện. Tuy trên địa bàn xảy ra mưa to kèm theo gió mạnh, đã làm ngập cục bộ ở một tuyến đường nội ô thành phố Bạc Liêu, một số điểm thi trong tỉnh cũng xảy ra mưa lớn nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, thi cử của thí sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bạc Liêu là cụm thi 61, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu chủ trì phối hợp với các trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Bạc Liêu tổ chức tổ chức thi theo quy định với hơn 5.000 thí sinh dự thi. Tỉnh thành lập 1 Hội đồng thi với 13 điểm thi liên trường đặt tại các địa phương với hơn 200 phòng thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục