Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thí sinh Hà Nội ấn tượng với đề thi Ngữ văn

12:25' - 22/06/2017
BNEWS Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 sáng 22/6 được phần đông thí sinh Hà Nội đánh giá là không quá khó.
Thí sinh và người thân sau khi hoàn thành môn thi Ngữ văn tại Điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Sáng 22/6, gần 73.000 thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội bước vào kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn theo hình thức tự luận trong 120 phút.

Thí sinh bắt đầu làm bài từ lúc 7hh35 phút và kết thúc lúc 9h35 phút.

Ghi nhận tại một số điểm thi như: Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy), Trung học phổ thông Trung Văn (Nam Từ Liêm), Trung học Phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm)… cho thấy, ngay từ sáng sớm thí sinh đã có mặt tại địa điểm thi.

Thậm chí, một số thí sinh và người nhà còn tranh thủ đến sớm hơn thời gian quy định để tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi.

Thí sinh thoải mái làm bài

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 sáng 22/6 được phần đông thí sinh Hà Nội đánh giá là không quá khó. Phần nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu đã để lại nhiều ấn tượng đối với thí sinh.

Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh Nguyễn Thị Diệu Thúy, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi cho biết: Đề thi môn Ngữ văn khá hay và không quá khó, các bạn trong phòng thi đều có tâm lí thoải mái.

Đặc biệt là phần trình bày quan điểm về đất nước qua bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm rất ý nghĩa. Với các bạn có lực khá có thể dễ dàng hoàn thành bài thi, tạo động lực tốt để thi các môn tiếp theo.

Cùng chung nhận định, thí sinh Phạm Khôi Vũ, học sinh Trường Trung học phổ thôn Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng: Đề thi năm nay vừa sức với thí sinh. Câu 1 và câu 2 nằm hết trong phần ôn tập mà giáo viên cho ôn thi trước đó. Với đề thi này, em tự tin đạt được 7 điểm đến 8 điểm.

Nhiều thí sinh thi khối A đã ra sớm khoảng 30 phút. Thí sinh Phạm Thanh Liêm (Trường Trung học Phổ thông Việt Đức) cho biết: Đề thi không quá khó, tuy nhiên để viết được tốt thì phải suy nghĩ cẩn thận. Em làm được nhưng không xuất sắc nên ước đạt khoảng 6-7 điểm, đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Dù thiên về khối A nhưng đề thi Ngữ văn vẫn làm em ấn tượng về câu hỏi nghị luận liên quan đến sự thấu cảm trong cuộc sống. Đề văn không chỉ là lý thuyết mà có giá trị thực tế trong cuộc sống, Liêm nhận xét.

Em Phạm Minh Hậu (Trường Trung học Phổ thông Việt Đức) cho biết đề thi năm nay có bố cục như năm trước, có phần đọc hiểu, một câu nghị luận xã hội và một phần nghị luận văn học.

“Em thấy đề thi không khó lắm” là nhận xét của Hậu với câu hỏi về lòng thấu cảm của con người. Do đã được ôn tập kỹ, nên phần lớn các thí sinh ở điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức đều làm được bài thi từ 2-3 tờ giấy thi và khá hài lòng với phần làm bài của mình.

Phụ huynh Đỗ Kim Loan (Hà Nội) chia sẻ: Tâm lý con hôm nay đi thi khá thoải mái. Ở trường, thầy cô ôn tập đến gần sát ngày thi, các cháu cũng chủ động học, ôn thêm. Với việc đổi mới để sĩ tử có nhiều cơ hội lựa chọn trường đại học, nhiều gia đình cảm thấy kỳ thi năm nay không quá áp lực như những năm trước.

Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn có tâm lý hồi hộp. Chị Dương Thị Lan (Hà Nội) có con học Trường Phổ thông Dân lập Văn Hiến, lực học không tốt lắm nên 2 mẹ con khá căng thẳng. Chị Lan cho biết năm nay đưa con đi thi không bị áp lực nhiều về giao thông, con thông báo làm được bài khiến chị cũng phần nào yên tâm…

Đề thi giúp học sinh khá, giỏi thể hiện kỹ năng

Thạc sĩ Lý luận Văn học Đặng Ngọc Khương, giáo viên trường Archimedes Academy đánh giá: Nhìn chung, đề thi Ngữ văn 2017 đáp ứng được yêu cầu của kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Đối với học sinh khá, giỏi thì đây là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng.

Còn đối với những học sinh trung bình thì việc đạt được điểm 5 cũng cũng không quá khó.

Về kiến thức, nội dung kiến thức của đề bám sát với bám sát phương án thi đã được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố trước đó.

Cấu trúc đề và biểu điểm cho từng phần không có gì thay đổi.

Theo Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, phần I của đề thi Ngữ văn 2017: Đọc hiểu có ngữ liệu hay, vừa có tính thẩm mĩ vừa có ý nghĩa giáo dục, đủ nội dung thông tin và chiều sâu triết lí để học sinh có thể khai thác, cảm nhận và bình luận.

Thí sinh và người thân sau khi hoàn thành môn thi Ngữ văn tại Điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Chủ đề đoạn trích nói về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn của con người. Sự thấu cảm chính là nguồn gốc của lòng trắc ẩn.

Trong cuộc sống hiện đại, khi những giá trị vật chất được đề cao, khi cái tôi cá nhân được xếp ở vị trí tối thượng, khi sự vô cảm có dấu hiệu lan tràn như một thứ “dịch bệnh” thì việc đề cao sự thấu cảm và lòng trắc ẩn là điều rất cần thiết.

Hệ thống câu hỏi đọc hiểu vừa sức. Câu 1, 2 thuộc dạng câu hỏi nhận biết, hỏi về phương thức biểu đạt (phương thức nghị luận) và ý nghĩa của từ thấu cảm theo cách hiểu của tác giả (câu trả lời có ngay trong ngữ liệu), tạo điều kiện học sinh đạt điểm tối đa.

Câu 3, câu 4 là câu hỏi vận dụng nhưng đòi hỏi không quá cao, yêu cầu đưa ra rất rõ, đáp án theo hướng mở giúp học sinh có thể linh hoạt trong việc trả lời.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương phân tích: Trong phần II của đề thi Ngữ văn 2017: Nội dung làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Đây là một chủ đề nghị luận có ý nghĩa thiết thực. Để làm tốt đề này, học sinh phải hiểu rõ ý nghĩa của từ “thấu cảm” (thấu hiểu và cảm thông/thấu hiểu để cảm thông) từ đó biết cách phân tích, chứng minh và bình luận mở rộng vấn đề.

Từ “thấu cảm” gần nghĩa với “đồng cảm” nhưng sắc thái ý nghĩa của nó mạnh hơn “đồng cảm”.

Có “thấu cảm” thì mới có “đồng cảm” và từ đó mới có sự động viên, sẻ chia và thậm chí là cả sự bao dung, tha thứ.

Có “thấu cảm” con người sẽ nảy sinh lòng “trắc ẩn”, từ đó biết yêu thương và sống nhân ái với cuộc đời.

Có “thấu cảm” con người sẽ tránh được lối sống thờ ơ, vô tâm, ích kỉ.

Điểm trưởng Điểm thi trường Trung học Phổ thông Việt Đức Nguyễn Minh Phi (Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) cho biết: Với tổng số 23 phòng thi, cán bộ coi thi, giám sát thi và ban lãnh đạo làm việc nghiêm túc, không để xảy ra sai sót gì.

Tại điểm thi Trung học Phổ thông Việt Đức có 522 học sinh, có 4 trường hợp vắng, 2 trường hợp do ốm và 2 trường hợp vắng không có lý do.

Buổi thi môn Ngữ văn đã diễn ra an toàn và đúng quy chế, không có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi.

Sáng nay thời tiết tại Hà Nội nhìn chung không nóng. Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đổi mới về địa điểm thi nên tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh tham dự thi cũng như đưa đón con em.

Buổi chiều, các thi sinh sẽ có mặt ở điểm thi lúc 14h và bắt đầu làm bài thi môn Toán lúc 14h30 với thời lượng 90 phút...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục