Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Đề thi Toán khó đạt điểm tuyệt đối

18:32' - 25/06/2018
BNEWS Chiều 25/6, các thí sinh tham dự Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã hoàn thành bài thi môn Toán, với thời gian làm bài 90 phút.

Đề thi được đánh giá có sự phân loại học sinh khá, giỏi. Kết thúc ngày thi đầu tiên, công tác tổ chức thi được các phụ huynh, học sinh và xã hội đánh giá ngày càng nhẹ nhàng, giảm áp lực cho học sinh.

*Các mã đề có mức độ tương đương nhau

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nhận xét về đề thi Toán, thầy Nguyễn Cao Cường (Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh) cho biết: Đề Toán năm nay vẫn đúng cấu trúc của năm trước với 50 câu hỏi, kiến thức chủ yếu của lớp 12 và một phần của lớp 11. Song, so với năm ngoái, mức độ khó tương đương của các mã đề tốt hơn.

Các câu hỏi từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các mã đề có mức độ tương đương nhau, công bằng cho các thí sinh.

Đề cũng duy trì số lượng câu hỏi mang tính thực tế về lãi suất ngân hàng, chế tạo sản phẩm… mang tính gắn liền với thực tiễn. Tuy nhiên, các trường trong quá trình ôn tập và thi đã cho học sinh ôn luyện khá tốt dạng câu hỏi này nên học sinh không quá bất ngờ.

Số lượng câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 khoảng 8 câu, chiếm khoảng gần 20%. Các mảng kiến thức lớp 11 có trong đề gồm: giới hạn dãy số, xác suất, hình học không gian lớp 11 (góc, khoảng cách). So với đề minh họa, mức độ kiến thức trong đề thi là phù hợp, học sinh có thể giải quyết được. Trong số đó, có 1 câu ở mức độ vận dụng cao.

Về phân hóa thí sinh, mức độ câu hỏi ở nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 20-25 câu và học sinh trung bình có thể được số điểm từ 4-5,5 điểm. Học sinh mức độ khá có thể giải quyết 35 câu đầu tiên và đạt điểm khoảng từ 7 đến 7,4. Học sinh giỏi thực sự mới có thể làm đúng và đạt điểm trên 9.

Theo nhận định của một số thầy cô, năm nay, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều, bởi số lượng câu phân loại học sinh khá giỏi, khoảng 10 câu có độ khó và kỹ thuật ra đề tốt, không đơn giản với các thí sinh.

*Giảm sức “nóng” trường thi

Nếu như nhiều năm trước, mỗi khi kỳ thi đến, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại “căng như dây đàn” vì tình trạng các thí sinh cùng phụ huynh từ các địa phương về dự thi, thì nay, cảnh tượng đó đã không còn.

Mặc dù so với cả nước, các thành phố này vẫn có tỷ lệ thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia khá lớn nhưng sức “nóng” của Kỳ thi đã giảm bớt rất nhiều, không còn cảnh tượng ùn tắc giao thông, quá tải phòng trọ, nhà nghỉ, sinh viên tình nguyện làm việc hết công suất để hướng dẫn thí sinh, cũng không còn nhiều phụ huynh “vật vờ” trước cổng trường đợi con như trước đây.

Tại hội nghị triển khai công tác thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành giáo dục đã vất vả qua nhiều năm để định hình được công tác tổ chức thi như hiện nay, đảm bảo trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng nhất. Với tinh thần này, các thí sinh đã được hỗ trợ tối đa khi không phải di chuyển xa, được thi ngay tại quận, huyện – nơi mình sinh sống, áp lực vì thế cũng được giảm nhẹ nhiều.

Thí sinh tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Long Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trao đổi bài sau khi hoàn thành bài thi môn Toán. Ảnh: Vương Thoại Trung-TTXVN

Dạo quanh một số điểm thi trên địa bàn Hà Nội trong giờ thí sinh làm bài như Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Trần Phú, Nhân Chính, Trung Văn, Hà Nội – Amsterdam…, chỉ có lác đác một số sinh viên tình nguyện đứng phát nước miễn phí hoặc giúp đỡ phụ huynh, thí sinh khi cần thiết. Số lượng phụ huynh đứng chờ con cũng không nhiều, đa phần các phụ huynh sau khi đưa con đến đều trở về nhà hoặc đến nơi làm việc, sát giờ thí sinh nộp bài thi mới quay trở lại.

Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân bán hàng gần Trường Trung học phổ thông Nhân Chính cho biết: Năm nay, không khí thi không thấy căng thẳng như vài ba năm trước. Đến sáng nay, khi nhiều phụ huynh vào mua hàng, chị mới biết các cháu đi thi. Trước cổng trường, phụ huynh cũng chỉ tập trung đông khoảng nửa tiếng trước giờ thi và khi thi xong. Sau đó, lại yên ắng đúng như kỳ nghỉ hè.

Anh Nguyễn Hữu Tuấn, có con thi tại điểm Trường Trung học phổ thông Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: Bốn năm trước, anh đưa con đầu đi thi tại Đại học Bách khoa, đường tắc, các phụ huynh từ nhiều nơi đưa con đến thi rất căng thẳng, thời tiết lại nóng nực, đứng chờ con thi mấy tiếng ở cổng trường vô cùng mệt mỏi. Nhưng năm nay, với cách thức đổi mới, áp lực thi cử đã giảm nhẹ, phụ huynh cũng đỡ lo lắng phần nào, hy vọng những năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không thay đổi quá nhiều về hình thức thi để các con yên tâm học hành, thi cử.

Trong buổi sáng, khi kiểm tra công tác tổ chức thi tại Trường Trung học phổ thông Yên Viên (Hà Nội), thấy một số phụ huynh đứng đợi con trước cổng trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu mở cổng trường và một số phòng học tại trường Tiểu học Yên Viên bên cạnh giúp phụ huynh có chỗ để xe thuận lợi, tránh ùn tắc giao thông và yên tâm nghỉ ngơi.

Chị Lê Thị Tâm, có con thi tại Trường Trung học phổ thông Yên Viên tâm sự: Dù nhà chỉ cách trường 3-4km nhưng chị không về mà muốn ở lại đợi con. Ở đây, được trò chuyện với các phụ huynh khác, chia sẻ được thêm thông tin về thi cử, tuyển sinh của các con, chị cũng giải tỏa được căng thẳng và hy vọng vào kết quả thi của con./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục