Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Hơn 900.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên

07:39' - 25/06/2018
BNEWS Sáng 25/6, hơn 900.000 thí sinh trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, môn thi Ngữ văn, theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút.

Thời gian phát đề cho thí sinh bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút. Thí sinh bắt đầu làm bài lúc 7 giờ 35 phút.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi và chỉnh sửa thông tin sai sót tại điểm thi THPT Lê Viết Thuật, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Môn Ngữ văn là một trong ba môn thi bắt buộc để tính điểm xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và cũng là môn mà nhiều trường Đại học, Cao đẳng lựa chọn để xét tuyển thí sinh vào trường.

Từ năm 2017 đến nay, thời gian thi môn Ngữ văn giảm xuống còn 120 phút, thay vì 180 phút như trước đây, nhằm giảm áp lực cho học sinh. Đề thi môn Ngữ văn gồm các phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và có câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng tư duy sáng tạo, gắn kiến thức văn học với đời sống xã hội.

Chiều 25/6, các thí sinh sẽ thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút. Thời gian phát đề thi cho thí sinh bắt đầu lúc 14 giờ 20 phút, giờ bắt đầu làm bài là 14 giờ 30 phút.

Trong các ngày thi, các thí sinh lưu ý, ngay sau khi phát đề thi, nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, thí sinh phải lập tức báo cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý.

Nếu không phát hiện hoặc để quá sau khi phát đề 10 phút đối với bài thi Toán, Ngoại ngữ; 5 phút với bài thi Ngữ văn và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.

Tất cả những trường hợp phát sinh về đề thi, cán bộ coi thi phải báo cáo cho Trưởng điểm thi để báo cáo Trưởng Ban coi thi ngay sau khi phát hiện.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong kỳ thi năm nay, các thí sinh tiếp tục được thi tại huyện, như vậy rất thuận lợi để các em đi thi như đi học. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng kỳ thi, độ tin cậy của kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành một số giải pháp rất nghiêm ngặt.

Cụ thể như, cán bộ coi thi không coi thi lớp 12 mà mình vừa giảng dạy. Mỗi phòng thi có hai cán bộ, một đến từ các trường Đại học và một đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo để giám sát lẫn nhau. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ giám sát không giám sát quá 7 phòng thi. Năm nay, Bộ tăng cường thanh tra cắm chốt ngay tại các điểm thi.

Với các môn thi trắc nghiệm, trong mỗi phòng thi, mỗi thi sinh tiếp tục có một mã đề riêng. Bộ siết chặt việc sử dụng các túi trả lời trắc nghiệm với việc niêm phong túi đựng bài thi sẽ sử dụng tem niêm phong mỏng, dễ rách, trên đó, ngoài chữ ký của cán bộ coi thi sẽ có thêm họ tên, chữ ký của Trưởng điểm thi và đặc biệt là của Phó Trưởng điểm thi đến từ các trường Đại học, Cao đẳng. Trước đó, các chữ ký này đã được đăng ký để giám sát và sử dụng.

Năm nay, trong quy chế thi và trong chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa các gian lận bằng công nghệ cao. Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia có thành phần của đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.

Trong tập huấn cho cán bộ coi thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng ngành Công an hướng dẫn cho cán bộ coi thi các kỹ năng phòng chống, phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh nhấn mạnh, dù thiết bị có tinh vi đến mấy, nếu cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình vẫn phát hiện được. Do đó, đây là yêu cầu cao đối với tất cả các cán bộ coi thi. Mọi vi phạm của thí sinh cũng như cán bộ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của quy chế cũng như của pháp luật hiện hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục