Lãi suất tăng khiến gánh nợ của các quốc gia kém phát triển thêm nặng

06:30' - 10/03/2023
BNEWS Trên thế giới hiện có 52 quốc gia hoặc đã mắc nợ quá mức, hoặc đang ở trên bờ vực mắc nợ quá mức và có khả năng vỡ nợ.

Báo La Tribune dẫn báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định, trên thế giới hiện có 52 quốc gia hoặc đã mắc nợ quá mức, hoặc đang ở trên bờ vực mắc nợ quá mức và có khả năng vỡ nợ.

Thêm vào đó, việc tăng lãi suất càng làm tăng gánh nặng nợ quốc gia của những quốc gia này. Về lâu dài, tình trạng tồi tệ hiện nay, bên cạnh xu hướng bất ổn xã hội ngày càng trầm trọng, đã làm ảnh hưởng đến mọi nỗ lực chuyển đổi trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đòi hỏi các nước phải tăng cường sự độc lập về năng lượng.

Trong khi các nước phát triển còn đang loay hoay với những câu hỏi về hậu quả kéo dài của việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất kể từ mùa Hè năm 2022, thì các nước nghèo đã phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Đại dịch, xung đột ở Ukraine, khủng hoảng lương thực, sự thờ ơ của những nước giàu có…, đã khiến khoảng 50 quốc gia đang phát triển rơi vào cảnh nợ nần quá mức. Gánh nợ, cùng với việc gia tăng lãi suất, thậm chí còn đẩy số nước này đến gần hơn với thảm họa, đó là vỡ nợ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đang rơi vào tình trạng “nợ nần chồng chất”. Thế giới đang chứng kiến kỷ lục 349 triệu người ở 79 quốc gia phải sống trong cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng. Vậy mà, theo LHQ, một số quốc gia đã phải dành 20% ngân sách để trả lãi cho các khoản vay của họ.

Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), cho biết lãi suất tăng liên tục đã làm cạn kiệt ngân sách của các quốc gia vốn đã chìm đắm trong khủng hoảng COVID-19, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và những khó khăn về cơ cấu của chính họ.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước kém phát triển nhất (LDC) diễn ra ở Doha, quan chức này đã đưa ra nhận định rằng tình hình đối với họ “về mặt nợ công là thực sự rất nghiêm trọng”.

Chuyên gia Achim Steiner dẫn một nghiên cứu của UNDP được công bố vào tháng trước cho biết hiện có “52 quốc gia hoặc mắc nợ quá mức hoặc đang trên bờ vực mắc nợ quá mức và có khả năng vỡ nợ”. Và trong số 52 quốc gia đó, có tới 25 nước đang sử dụng “1/5 ngân sách chính phủ để trả lãi cho khoản vay của họ”. Đây là một gánh nặng “quá sức chịu đựng”.

Theo nghiên cứu, các nền kinh tế này hiện “chỉ chiếm 3% nợ toàn cầu và đó là lý do tại sao các thị trường không quan tâm nhiều đến họ như lẽ ra phải thế. Nhưng vấn đề là ở chỗ số nước này lại chiếm tới 40% số người nghèo trên thế giới và 1/6 dân số thế giới”.

Nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ, trong đó có Tổng thống Timor-Leste, đã tố cáo “sự vô cảm cực độ của lãi suất cắt cổ”. Nợ của LDC đã tăng hơn gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ và đạt 50 tỷ USD vào năm 2021.

Chuyên gia Achim Steiner nhấn mạnh việc định lượng nợ công toàn cầu là rất phức tạp, do sự xuất hiện của yếu tố Trung Quốc trên thị trường gần đây và do hơn 60% số nợ nằm trong tay các nhân tố tư nhân.

Vay nợ nhà nước đã bùng nổ trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Và bây giờ được bổ sung bởi cuộc xung đột ở Ukraine, dẫn đến những tác động về giá lương thực và năng lượng thế giới, trong khi lạm phát lại đẩy lãi suất lên cao thêm.

Vậy mà các nước phương Tây vẫn chưa làm gì để thể hiện vai trò của họ. Năm 2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý về một khuôn khổ chung để tái cơ cấu nợ của LDC, nhưng việc thực hiện đã bị đình trệ kể từ đó.

Quan chức của UNDP lưu ý rằng 20 quốc gia giàu nhất thế giới “đang phải chật vật để tiến bước, mà nguyên do một phần vì sự chia rẽ về địa chính trị và rõ ràng đây là một nguồn gây lo ngại”. Ông cũng lưu ý rằng những quốc gia mà không ai muốn cho vay nữa sẽ buộc phải chấp nhận mức lãi suất cao ngất ngưởng từ 12-14%.

Đồng thời, các quốc gia châu Phi như Nigeria, Mali hay Burkina Faso đã thụt lùi từ 10-20 năm, đặc biệt là do hậu quả của bạo loạn chính trị. Thực trạng này dẫn đến vấn đề cốt lõi là “sự sụp đổ của năng lực quản trị và cuối cùng, của nền tảng kinh tế mà một quốc gia phải vận hành”.

Ngoài các nước kém phát triển nhất, tình hình toàn cầu cũng đang làm suy yếu khả năng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của các nước thu nhập trung bình, giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đã nâng cao đáng kể tầm quan trọng của vị thế độc lập về năng lượng – điều phải dẫn đến “sự gia tăng theo cấp số nhân” trong đầu tư năng lượng sạch trong vòng 3-5 năm tới.

Đây là một quá trình chuyển đổi năng lượng mà về lý lẽ, các nước Bắc Bán cầu phải có những hỗ trợ. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, ít nhất là ở một số nước phát triển, cam kết đầu tư song phương đang có dấu hiệu giảm sút. Và đây cũng là điều “đáng tiếc và nghiêm trọng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục