Lâm Đồng cao điểm "khát"

08:27' - 24/03/2016
BNEWS Tình trạng khô hạn và thiếu nước sạch đang xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng với mức độ báo động.
Lâm Đồng đang lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trong tại một số địa phương. Ảnh: TTXVN

Khô hạn khiến người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng bị thiếu nước sinh hoạt, phải mua từng can nước về sử dụng hàng ngày; trong khi đó, nhiều công trình nước sạch trên địa bàn các huyện được đầu tư với tổng kinh phí hàng tỷ đồng đã hư hỏng và ngưng hoạt động từ lâu, chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu của nó.

Di Linh "khát"

Nắng trên vùng cao nguyên Di Linh vẫn chưa bớt gay gắt dù cách đây hơn một tuần đã có hai trận mưa trút xuống vùng này. Gần 12 giờ trưa, anh Hàng Dầng Búi mới cùng vợ về đến nhà ở thôn 1, xã Liên Đầm (huyện Di Linh).

Trên chiếc xe máy, anh Búi không quên chở theo hai can nước sạch lấy từ dưới suối về tích trữ làm nước nấu ăn, phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

“Nhiều nhà ở đây phải lấy nước dưới suối về sử dụng. Ngay cả trường học trong thôn cũng thiếu nước nên mỗi ngày đưa con đi học mình phải xách theo can nước 5 lít để góp cho trường sử dụng” – anh Hàng Dầng Búi nói.

Cùng chung cảnh ngộ như nhiều gia đình trong thôn khác, nắng nóng kéo dài đã làm giếng sâu 25m của nhà bà Ka Hao, 65 tuổi ở thôn 1, xã Liên Đầm hầu như cạn sạch nước. Mỗi ngày, bà Ka Hao chỉ múc được một can nhỏ.

Nước không đủ dùng, bà phải đi xin nước nhà hàng xóm cách đó cả cây số mặc dù cách nhà bà Ka Hao không xa vẫn có công trình cấp nước sạch do nhà nước đầu tư nhưng đã ngừng hoạt động từ 3 năm nay.

Tương tự, gần một tháng nay nguồn nước giếng của gia đình chị Ka Nhos, thôn 1, xã Liên Đầm cũng cạn kiệt hoàn toàn. Không phải đi lấy từng can nước nhỏ như những hộ khác, gia đình chị Ka Nhos dùng máy cày chở thùng phuy lớn về rồi sau đó bơm nước lên bồn chứa rồi dùng dần.

Tuy nhiên việc sử dụng nước cũng được gia đình chị hết sức tiết kiệm. Chị chia sẻ: “May mắn là nhà tôi được dùng chung nước giếng của người bà con, mỗi tháng chỉ góp thêm chút tiền điện cho họ. Còn một số nhà khác phải đi mua nước sạch ở nơi khác, cứ mỗi can 30 lít giá khoảng 3.000 đồng”.

Thực trạng thiếu nước sinh hoạt còn xảy ra tại thôn 8, thôn 9 của xã Liên Đầm và cả một số nơi khác trong huyện Di Linh. Anh K’Huân, thôn Kala Tơng Gu, xã Bảo Thuận than thở, chỉ tính riêng tiền mua nước sạch từ giếng khoan đã làm gia đình anh mất hơn 100.000 đồng mỗi tháng.

Nước sạch chỉ dám dùng để nấu ăn còn việc tắm giặt thì cả nhà phải xuống mương dẫn nước thuỷ lợi của hồ Ka La. Nhiều hôm tắm về thấy ngứa ngáy rất khó chịu.

Trong khi đó, huyện Đức Trọng cũng đã bị ảnh hưởng do nắng hạn kéo dài. Đa số giếng nước ở thôn B’liang, xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) đã cạn khô từ nhiều ngày qua, người dân đồng bào Chu Ru ở đây phải thay nhau đi mua nước về dùng.

Giếng nước gia đình chị Ma Tuyên, thôn B’liang đã cạn khô. Hằng ngày, gia đình chị phải cử người thay nhau đi mua nước về dùng. Chị Ma Tuyên cho biết, để có nước dùng hàng ngày gia đình phải đi mua mỗi khối nước giá 10.000 đồng dùng được trong một ngày.

Hồ trơ đáy

Anh Nguyễn Văn Xuân, xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) phải mua thêm đến 1.500m ống nước để đưa nước về tưới cà rốt. Anh Xuân cho biết, hầu hết giếng khoan trong vùng đều cạn nước nên anh phải vay mượn tiền để mua thêm ống nước để kéo nước cứu cây trồng.

Ngoài ra chi phí cho việc bơm nước phải trả cũng rất lớn. Anh Xuân phải mua 150 lít dầu với giá 450.000 đồng để bơm nước tưới cho 1,5 ha cà rốt.

Huyện Đức Trọng có hơn 18.000 ha cà phê, đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Hầu hết các diện tích đã được tưới đợt một, một số ít được tưới đợt hai.

Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, địa hình nhiều dốc, đồi; một số diện tích cà phê đang có dấu hiệu rũ lá, ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.

Theo dự báo, trong vòng một tháng tới nếu không có mưa thì khoảng 3.700 ha cây trồng trên địa bàn huyên có nguy cơ bị thiệt hại nặng; trong đó, nặng nhất là xã Ninh Gia với 700ha, xã Phú Hội 500ha, Tà Hine 500ha, Đa Quyn 310ha, Tà Năng 350ha….

Các công trình thủy lợi trên địa bàn cũng đã vào lâm tình cảnh báo động đỏ. Hồ Tà Hine 2 là hồ lớn nhất của xã Tà Hine, với trữ lượng trên 240.000 m3 nước, cung cấp nước tưới cho 40,6 ha cà phê. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hiện nay nhiều hồ đập không còn một giọt nước nào.

Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng hạn hán đã thuê máy múc xuống giữa lòng hồ đào các ao nhỏ tìm kiếm nguồn nước ngầm để tưới cho cây trồng nhưng lượng nước tìm thấy cũng không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu.

Trên địa bàn huyện Đức Trọng có 47 công trình thủy lợi; trong đó, 5 đập dâng lớn đang hoạt động, cung cấp nước tưới cho hơn 6.200ha đất nông nghiệp.

Số diện tích còn lại lấy nước từ hồ thuỷ điện Đại Ninh, các sông suối, và giếng khoan trong nhân dân. Do tình hình nắng nóng kéo dài, từ đầu năm đến nay mực nước ở các hồ đều giảm mạnh, nhiều hồ đã trơ đáy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thống kê diện tích cây trồng đang và có thể bị hạn trong thời gian ngắn sắp tới sẽ lên đến 31.600ha, chiếm 10,5% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh; trong đó, diện tích lúa bị hạn tập trung tại các huyện Đạ Tẻh 1.100ha, Cát Tiên 900ha. Riêng với các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc, diện tích có nguy cơ bị hạn nặng có thể lên tới 26.200ha chủ yếu với các loại cây công nghiệp, lúa và rau màu.

Công trình nước… “đắp chiếu”

Trong khi người dân tại nhiều địa phương đang tìm cách để chống chọi với khô hạn thì hàng loạt công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách lại hư hỏng, không sử dụng được.

Tại huyện Di Linh, những công trình giếng khoan thôn Duệ, xã Đinh Lạc, hệ thống giếng khoan tại thôn Gia Bắc 1, xã Tân Nghĩa; 2 công trình nước sạch ở xã Sơn Điền… hiện đều đang “đắp chiếu”.

Riêng tại xã Liên Đầm có ba công trình giếng khoan được đầu tư xây dựng từ năm 2006 theo Chương trình 135 ở địa bàn các thôn 1, 2 và thôn 4. Thế nhưng, cả ba công trình trên đều bị hỏng, không thể cung cấp nước cho người dân sử dụng từ nhiều năm qua. Chủ tịch UBND xã Liên Đầm bà Nguyễn Thị Kiều Ngân, giải thích: “Nguyên nhân của tình trạng trên là do các công trình được đầu tư xây dựng đã khá lâu, lượng người sử dụng nhiều hơn công suất thiết kế khiến cho máy móc bị hỏng hóc trong khi xã không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa”.

Tương tự, từ 6 năm nay, hệ thống cấp nước sạch trong thôn Ka La Tơng Gu, xã Bảo Thuận, đã ngừng hoạt động. Hai bồn chứa nước của công trình này được chuyển đi nơi khác, khu vực bể chứa và đặt giếng khoan bị người dân “trưng dụng” làm… nhà ở. Ngay tại khu vực này, trái ngược với công trình công cộng là một công trình tư nhân vẫn hoạt động tốt.

Ông K’Brộp, thôn Ka La Tơng Gu, xã Bảo Thuận bức xúc: “Mấy năm trước khi giếng khoan của nhà nước bị hỏng, không có nước sử dụng nên tôi tự bỏ tiền túi ra khoan giếng và khoan đến lần thứ 5 mới có nước.

Ngoài phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, hiện giếng khoan của tôi còn cấp nước cho khoảng 60 hộ dân trong thôn cùng dùng, mỗi tháng họ chi trả tiền theo khối lượng sử dụng để tôi đóng tiền điện và đến nay giếng vẫn hoạt động tốt”.

Những năm qua, huyện Di Linh đã có gần 50 công trình nước sạch được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Các công trình này giao cho người dân trực tiếp sử dụng, bảo quản cũng như điều tiết hoạt động. Nhưng chỉ sau một thời gian, đến nay nhiều công trình trên đã hư hỏng, bỏ hoang và chưa được sửa chữa.

Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, nếu đến đầu tháng 4 vẫn không có mưa thì khoảng 1.400 hộ dân trên địa bàn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; trong đó, các vùng dự kiến sẽ bị hạn nặng thuộc khu vực xã Hoà Trung, Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận.

Thế nhưng, khi được hỏi những công trình cung cấp nước sinh hoạt nào cho dân còn hoạt động được hoặc đã hư hỏng thì Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh Trần Nhật Thi vẫn bình chân như vại cho biết, phòng đang tiến hành rà soát và thống kê lại”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục